Kinh tế

Tài chính

Gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng: Không ảnh hưởng đến lạm phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử với giá trị gần 350.000 tỉ đồng giải ngân bắt đầu trong năm nay khiến nhiều người lo ngại sẽ tác động đến chỉ số lạm phát.

Thế nhưng theo các chuyên gia kinh tế, mặt bằng giá cả năm 2022 sẽ không bị ảnh hưởng từ gói này.
 

Chưa cần có phương án dự phòng

Với tổng số tiền của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ước tính gần 350.000 tỉ đồng, được xem là lớn nhất trong lịch sử kinh tế Việt Nam và trải rộng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khiến nhiều người lo ngại lạm phát tại Việt Nam gia tăng. Tại một hội thảo khoa học do Học viện tài chính và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức vào đầu năm 2022, đại diện Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức từ 2 - 3%, nằm dưới chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Nghĩa là lạm phát trong năm 2022 sẽ được kiểm soát tốt vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đặc biệt là biến chủng mới; chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục vững chắc. Ngoài ra, trên thế giới, hầu hết giá cả các loại hàng hóa đều đạt đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, áp lực về tăng giá vẫn không quá lớn bởi sức cầu trong nước vẫn còn yếu.


 

 Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhanh để kịp thời hồi phục. Ảnh: Ngọc Thắng
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhanh để kịp thời hồi phục. Ảnh: Ngọc Thắng


PGS-TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính, khẳng định: Lạm phát là điều không đáng lo trong năm nay vì dù kinh tế đang phục hồi, nhưng sản lượng của năm 2022 sẽ vẫn ở mức dưới tiềm năng. Nếu tổng sản phẩm trong nước năm nay chỉ tăng trưởng 6,5% như mục tiêu đặt ra, hay thậm chí tăng 8 - 9% như một số dự báo, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của giai đoạn 2020 - 2022 chỉ ở mức 4 - 5%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 6% của giai đoạn 2011 - 2020. Quan sát cho thấy, năm 2022, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu, chưa thể có sự bùng phát trong mua sắm chi tiêu. Một lý do khác giúp cho lạm phát duy trì ở mức thấp là đà tăng của giá xăng dầu cũng như giá các nguyên vật liệu sẽ chững lại trong năm 2022, khi dịch bệnh được khống chế và chuỗi cung ứng hàng hóa được bình thường hóa. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và chính phủ Singapore đều có động thái thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. “Áp lực tăng giá dầu, giá hàng hóa, nguyên vật liệu không xảy ra thì lấy gì để lo chuyện lạm phát? Theo tôi, năm nay lạm phát chỉ ở mức 1,8%, thấp hơn rất nhiều chỉ tiêu Quốc hội đặt ra. Nói một cách nào đó, nỗi lo lạm phạt là khó xảy ra và… chưa cần có phương án dự phòng”, vị này chắc chắn.

Số tiền không quá lớn

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực phân tích chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế sẽ được thực hiện trong 2 năm. Như vậy theo dự kiến, năm 2022 quy mô giải ngân sẽ khoảng 160.000 tỉ đồng theo nhiều giải pháp thực hiện. Đây không phải là số tiền quá lớn trong nền kinh tế. Cụ thể, nếu so với kênh tín dụng năm 2021, các ngân hàng đã cung ứng ra nền kinh tế khoảng 1,3 triệu tỉ đồng thì việc giải ngân số tiền như trên cũng chỉ tương đương khoảng 1,6% lượng tiền từ kênh tín dụng. Hoặc nếu so với tổng vốn đầu tư của toàn xã hội năm 2021 hơn 2,89 triệu tỉ đồng thì số tiền 160.000 tỉ đồng cũng chỉ là con số nhỏ. Vì vậy, theo TS Cấn Văn Lực, mặc dù chương trình hỗ trợ kinh tế khi được thực hiện cũng sẽ có tác động làm tăng chỉ số giá hàng hóa nói chung nhưng sẽ không cao. Hơn nữa, nghị quyết của Quốc hội đã xác định rõ những lĩnh vực chủ chốt để thực hiện hỗ trợ và Chính phủ chuẩn bị hướng dẫn chi tiết để hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Khi nguồn vốn được hấp thụ tốt thì sẽ không đẩy giá hàng hóa gia tăng đột biến. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: Giải ngân gói hỗ trợ và phục hồi kinh tế sẽ không tác động nhiều đến CPI. Theo dự báo, lạm phát cả năm nay sẽ ở mức 3,5 - 3,8%, tăng gần gấp đôi so với năm vừa qua nhưng vẫn trong tầm kiểm soát theo mục tiêu dưới 4% của Chính phủ. Dù vậy, để thực sự gói hỗ trợ đạt hiệu quả như mong muốn, cần công khai minh bạch trong các quy định chi tiết, thiết thực và phù hợp với thực tế. Song song đó phải có kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.

Đồng quan điểm, TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng Khoa Tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng cho rằng các nước lớn trên thế giới bắt đầu siết chặt chính sách tài chính tiền tệ đã nới lỏng trước đó để hỗ trợ kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Đồng thời nhu cầu về các loại hàng hóa, đặc biệt là hàng loạt nguyên nhiên vật liệu như dầu, than, gas đã tăng trở lại, đẩy lạm phát ở nhiều nước gia tăng. Do đó lạm phát không phải là do chính sách tiền tệ thả lỏng hay các chương trình kích thích kinh tế nói chung. Vì vậy tại Việt Nam, nguy cơ lạm phát cao sẽ không xảy ra trong năm nay. Hay nói cách khác, dù Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng không phải là nguy cơ gây nên lạm phát cao. Chẳng hạn, các chương trình giảm thuế, phí hay hỗ trợ người lao động không thể đẩy giá thép Việt Nam tăng cao. Bởi sản phẩm này phụ thuộc vào giá thế giới, nhất là cung cầu thép tại thị trường lớn là Trung Quốc. Đồng thời, sức tiêu thụ của thị trường trong nước vẫn đang ở mức thấp, chưa phục hồi trở lại bình thường như trước khi có dịch Covid-19. Khi sức cầu không tăng mạnh thì mức độ tăng giá của hàng hóa cũng sẽ hạn chế. Hơn nữa, nhiều loại hàng hóa do tác động từ thế giới đã gia tăng và có thể chưa giảm trở lại nhưng cũng chưa có dấu hiệu cho thấy tiếp tục đi lên nữa khi chuỗi cung ứng và logistics từng bước được phục hồi. Vì vậy, chỉ số CPI của Việt Nam năm nay sẽ tăng hơn năm vừa qua, nhưng cũng không đáng lo.

Theo MAI PHƯƠNG-NGUYÊN NGA (TNO)

Có thể bạn quan tâm