Kinh tế

Giá cả thị trường

Góp phần để càphê Việt Nam khẳng định tên tuổi tại thị trường Canada

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với tốc độ phát triển hiện nay và sự mở rộng của các thương hiệu Việt như Cactus, càphê Việt Nam đang có cơ hội vượt qua Mexico để lọt vào top 10 nước xuất khẩu càphê lớn nhất vào thị trường Canada.
Càphê Việt Nam đang có cơ hội vào top 10 nước xuất khẩu càphê lớn nhất vào thị trường Canada. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Càphê Việt Nam đang có cơ hội vào top 10 nước xuất khẩu càphê lớn nhất vào thị trường Canada. (Ảnh: Dư Toán/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, thị trường càphê Canada ước tính có nhu cầu nhập khẩu ổn định khoảng 1,4 tỷ USD/năm.

Riêng quý 1/2024, giá trị nhập khẩu càphê từ Việt Nam vào thị trường này đạt hơn 4,4 triệu USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu sang Canada số lượng càphê giá trị trên 32 triệu USD, đạt mức cao nhất trong giai đoạn thống kê 2013-2023 và tăng trưởng 220% so với trước khi hai nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Nắm bắt được cơ hội này, Cactus - một doanh nghiệp trẻ của Việt Nam đầu tư vào Canada, đã quyết định chọn thành phố sầm uất Toronto là điểm đến để mở cơ sở giới thiệu càphê Việt Nam, đồng thời tìm kiếm thị trường mở rộng xuất khẩu cho các sản phẩm càphê của Việt Nam trong thời gian tới.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, đồng sở hữu doanh nghiệp Cactus Nguyễn Thị Kim Anh cho biết sở dĩ họ lựa chọn cái tên này bởi xương rồng trong bất kỳ hoàn cảnh địa lý nào cũng có thể vươn lên và nở hoa.

Chị Kim Anh hy vọng rằng thương hiệu của nhóm mình sẽ phát triển mạnh mẽ như cây xương rồng cho dù có gặp nhiều khó khăn, sóng gió nơi đất khách quê người.

Cactus bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2021, trong thời gian đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, với rất nhiều khó khăn.

Hiện cửa hàng giới thiệu sản phẩm càphê Việt Nam cùng tên tuổi của họ đã vươn lên rất mạnh mẽ và có được một lượng khách ổn định, đặc biệt là khách hàng Việt Nam - những người mong muốn tìm lại hương vị của quê hương ở nơi xa xôi, cách nửa vòng trái đất.

Phạm Nguyễn Uyên My, sinh viên Trường Urban International Toronto, cho biết với thói quen uống trà sữa và càphê từ hồi còn ở Việt Nam, khi sang Canada, Uyên My đã lên mạng xã hội tìm kiếm các hội nhóm của người Việt ở Toronto và biết đến cửa hàng Cactus. Hiện bạn đã trở thành khách hàng "ruột" của thương hiệu này sau vài lần tới uống thử.

Bạn Nguyễn Hoàng Thùy Hương, sinh viên Đại học OCAD Toronto, chia sẻ biết được thương hiệu này qua các nhóm du học sinh ở Canada.

Thùy Hương cho rằng bản thân đã tìm lại được môi trường Việt Nam tại cơ sở này bởi nhân viên ở đây chủ yếu là người Việt, rất thân thiện và đặc biệt là đồ uống rất giống ở Việt Nam, hoàn toàn khác biệt so với các quán càphê nhanh khác.

Có thể thấy càphê Việt Nam đang có một vị trí đặc biệt tại Canada. Ngoài việc đã giành được sự ấn tượng trong lòng các bạn bè sở tại, càphê Việt còn có được sự ủng hộ nhiệt tình từ những người đồng hương đang làm việc và học tập tại đây.

Với tốc độ phát triển hiện nay và sự mở rộng của các thương hiệu Việt như Cactus, càphê Việt Nam đang có cơ hội vượt qua Mexico để lọt vào top 10 nước xuất khẩu càphê lớn nhất vào thị trường Canada.

Chị Nguyễn Thị Kim Anh nhận định với một lượng khách hàng khá lớn và ổn định, thương hiệu đang trên đà phát triển mạnh nên sẽ tính tới việc mở rộng mô hình kinh doanh thông qua nhượng quyền thương hiệu.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh nhận xét Thương vụ hy vọng sẽ hợp tác với Cactus để biến cơ sở này trở thành một điểm đến giới thiệu, quảng bá cho các thương hiệu của Việt Nam.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, ngoài việc phát triển các thương hiệu về càphê có nguồn gốc từ Việt Nam, Cactus có thể đẩy mạnh việc nhượng quyền để xây dựng các chuỗi cơ sở của mình trên khắp Canada. Đây là một trong những hình thức có thể thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua mảng dịch vụ và sẽ mang lại những giá trị rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.

Việt Nam đang là đại diện càphê có danh tiếng nhất trong số các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Canada, với thị phần khoảng 2%.

CPTPP đang tạo ra những lợi thế về thuế quan rõ rệt, giúp càphê Việt Nam có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh đến từ ASEAN, Ấn Độ hay thậm chí cả Trung Quốc.

Có thể bạn quan tâm