(GLO)- Thực hiện Quyết định số 253/QĐ-TTg ngày 5-3-2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên giai đoạn 2002-2010, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 928/KH-UB đề ra lộ trình và giải pháp củng cố chính quyền cơ sở trong tỉnh.
Tính đến đầu năm 2011-thời điểm kết thúc thực hiện Quyết định 253/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 5.248 đại biểu HĐND cấp xã, trong đó có 3.079 đảng viên (chiếm 61,71%), 917 đại biểu nữ (chiếm 17,47%), 2.710 đại biểu dân tộc thiểu số (chiếm 51,64%). Về chuyên môn nghiệp vụ có trình độ trung cấp là 717 đại biểu (chiếm 13,66%), cao đẳng và đại học là 231 đại biểu (chiếm 4,40%)... Về lý luận chính trị, trình độ sơ cấp có 1.085 đại biểu (chiếm 20,674%), trung cấp có 718 đại biểu (chiếm 13,68%), cao cấp có 73 đại biểu (chiếm 1,39%)... So với cuối năm 2002 số đại biểu HĐND cấp xã tăng hơn 1.438 đại biểu...
Ảnh: Thanh Nhật |
Số lượng thành viên UBND cấp xã tính đến đầu năm 2011 có 807 người. Về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ sơ cấp có 115 người (chiếm 14,25%), trung cấp 205 người (chiếm 25,40 %), cao đẳng và đại học 65 người (chiếm 8,05%). Về lý luận chính trị, trình độ sơ cấp có 186 người (chiếm 23,05%), trung cấp 312 người (chiếm 38,66%), cao cấp 34 người (chiếm 4,21%). Về quản lý nhà nước, trình độ sơ cấp 58 người (chiếm 7,19%), trung cấp 21 người (chiếm 2,60%)...
Cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng chuyển biến theo chiều hướng tích cực và hợp lý hơn, tỷ lệ cán bộ, công chức trẻ dưới 30 tuổi, là nữ giới, đảng viên, dân tộc tại chỗ tăng lên đáng kể. So với cuối năm 2002, số cán bộ công chức cấp xã của tỉnh tăng 427 người, trong đó tăng 789 đảng viên (37,32%), trung cấp chuyên môn nghiệp vụ tăng 1.222 người, cao đẳng và đại học tăng 345 người. Lý luận chính trị trình độ trung cấp tăng 667 người (122,38%), cao cấp tăng 82 người (174,47%). Về quản lý nhà nước, trình độ trung cấp tăng 98 người (233,33%), cử nhân 7 người (700%).
Sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác theo Đề án số 03-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: T.N |
Ông Dương Tráng- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nội vụ nhận xét: “Số lượng và chất lượng đại biểu HĐND cấp xã đã được nâng lên. Tổ chức và hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND ở cấp xã đi vào nền nếp. Các kỳ họp HĐND ngày càng mang tính hiệu quả thiết thực hơn. Các đại biểu HĐND đã thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, đáp ứng sự tín nhiệm của nhân dân. Bộ máy tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã, các mặt công tác có nhiều tiến bộ, hoạt động nhịp nhàng và có sự phân công, phối hợp rõ ràng, có quy chế quy định phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết công việc của từng chức danh trong UBND.
Chủ tịch và phó chủ tịch UBND đã kiểm soát được công việc hàng ngày của địa phương. UBND cấp xã thực hiện có hiệu quả nghị quyết của HĐND cùng cấp ở địa phương, cũng như sự chỉ đạo UBND cấp trên, kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo hàng năm giảm, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững...”.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho 19.393 cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời đã tiến hành đào tạo cho 7.620 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó đã liên kết tổ chức 4 lớp đại học chuyên ngành (kinh tế, luật, nông nghiệp và hành chính) tại tỉnh cho 269 cán bộ chủ chốt và quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã; tổ chức và liên kết tổ chức 54 lớp trung cấp chuyên ngành cho 4.174 cán bộ, công chức cấp xã và 37 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 3.177 cán bộ, công chức.
Tỉnh đã tăng cường 437 cán bộ, công chức ở tỉnh và cấp huyện về cấp xã công tác.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU ngày 12-6-2009 về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác. Ban quản lý điều hành đề án cũng đã tiến hành tổ chức tuyển chọn được 115 sinh viên có trình độ đại học, bố trí về công tác tại các xã vùng II, vùng III của tỉnh, để tạo nguồn bố trí cán bộ, công chức có trình độ cao ở cấp xã sau này. Do vậy chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày một nâng lên, đã khắc phục được phần lớn tình trạng thiếu hụt cán bộ, công chức ở cấp xã.
Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở ngày càng được quan tâm đúng mức, đã làm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và thôn, làng, tổ dân phố của tỉnh phấn khởi, yên tâm công tác. Trụ sở và trang- thiết bị làm việc của hệ thống chính trị ở cấp xã cũng đã được quan tâm đầu tư sửa chữa nâng cấp, xây dựng hoàn thiện mới. Đến đầu năm 2011, toàn tỉnh có 144/222 cấp xã có trụ sở được xây dựng kiên cố (chiếm 65%) so với cuối năm 2002 tăng 77 (114,92%) xã có trụ sở được xây dựng kiên cố, cơ bản đã xóa bỏ được tình trạng trụ sở tạm bợ, xuống cấp, đảm bảo cho hệ thống chính trị ở cấp xã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Thanh Nhật