Kinh tế

Góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 14-1-2003, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH)  tỉnh Gia Lai được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo, với mục đích nhằm tách việc cho vay ra khỏi hoạt động tín dụng thông thường của các Ngân hàng thương mại nhà nước, cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng và thực hiện chủ trương tập trung các nguồn vốn tín dụng phục vụ chính sách xã hội do nhiều cơ quan hành chính nhà nước và Ngân hàng thương mại thực hiện vào một đầu mối của NHCSXH; từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và phối hợp, lồng ghép có hiệu quả với các dự án hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm,… góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 

 

Sau 10 năm hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, con người, điều kiện phương tiện làm việc…, trong khi đối tượng phục vụ tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng NHCSXH tỉnh đã nỗ lực vươn lên, vượt qua những khó khăn thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần vào thực hiện mục tiêu cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm,… trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh việc nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức ngay từ khi mới thành lập, phát triển mạng lưới đến các huyện, tổ chức tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ; Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tập trung các nguồn vốn như huy động trong dân cư, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để mở rộng cho vay, đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm, đến nay NHCSXH đã triển khai 11 chương trình tín dụng (gồm: cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, thương nhân miền núi, hỗ trợ mua nhà ở, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn) với dư nợ 2.430 tỷ đồng cho trên 141.000 hộ vay, quy mô tăng trưởng vốn vay gấp 26,9 lần so với năm 2003, bình quân mỗi năm tăng 21,3%; trong đó dư nợ hộ nghèo đạt 994 tỷ đồng với 82.193 hộ, chiếm tỷ trọng 40,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay học sinh sinh viên đạt 606 tỷ đồng chiếm 24,9%; dư nợ cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở đạt 80 tỷ đồng (với 10.014 căn nhà).

 

 

Chất lượng tín dụng ngày càng nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm đáng kể so ngày nhận bàn giao (tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay 0,98% dư nợ). Vốn vay của NHCSXH được hỗ trợ để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, từng bước cải thiện cuộc sống, đã góp phần giúp cho 68.380 hộ thoát nghèo, bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% đến 4%; nguồn vốn tín dụng cho vay học sinh sinh viên được phân bổ đến đúng đối tượng thụ hưởng, giúp hộ gia đình trang trải chi phí học tập cho con em mình, qua điều tra tỉnh ta không có học sinh, sinh viên nào phải nghỉ học vì lý do tài chính khi thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng đã phối hợp tích cực với các tổ chức hội-đoàn thể như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để triển khai mô hình quản lý cho vay thông qua phương thức ủy thác từng phần và triển khai 199 điểm giao dịch lưu động tại xã, thực hiện nguyên tắc công khai, dân chủ trong lĩnh vực tín dụng chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận với vốn vay, sử dụng vốn có hiệu quả.

NHCSXH ra đời đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn và là một trong những công cụ đòn bẩy kinh tế quan trọng, kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

 

Thành tích 10 năm Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai

Ghi nhận những đóng góp của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, Chủ tịch nước đã tặng Huân chương Lao động hạng ba cho tập thể chi nhánh; Thủ tướng Chính phủ 2 lần tặng cờ thi đua cho tập thể và 1 cá nhân; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng 2 bằng khen và cờ thi đua cho tập thể chi nhánh, 9 bằng khen cho cá nhân; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tặng bằng khen cho tập thể; Trung ương Hội Nông dân tặng 1 bằng khen cho tập thể; UBND tỉnh tặng cờ thi đua, 33 bằng khen từ năm 2003 đến 2007 cho 9 tập thể và 24 cá nhân.

Kết quả hoạt động sau 10 năm của NHCSXH tỉnh là hết sức to lớn, toàn diện, khẳng định chủ trương thành lập NHCSXH để thực hiện kênh tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là phù hợp với thực tế. Hoạt động NHCSXH có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao, có ý nghĩa to lớn cả về mặt kinh tế, chính trị và xã hội, hợp lòng dân, tạo được sự đồng thuận cao của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên hoạt động của NHCSXH trên địa bàn vẫn còn một số khó khăn, tồn tại. Đó là:

- Khả năng nguồn vốn cho vay còn hạn hẹp trong khi nhu cầu về vốn của hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, vùng nông thôn để phát triển sản xuất, kinh doanh là rất lớn.

- Hiệu quả tín dụng một số nơi vẫn còn thấp, tỷ lệ nợ quá hạn có xu hướng tăng cao, nợ đến hạn chậm được xử lý.

- Một số địa phương thực hiện chưa tốt chương trình ủy thác cho vay qua các tổ chức Hội-đoàn thể; nguyên nhân chủ yếu ở đây là do năng lực quản lý của cán bộ Hội cơ sở còn hạn chế, chưa tích cực hoạt động, chưa thực hiện đầy đủ các công đoạn trong hợp đồng ủy thác đã ký kết.

- Ban đại diện NHCSXHtại một số địa phương chưa thực sự hoạt động tích cực, chưa quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện hỗ trợ cho NHCSXH; các thành viên Ban đại diện một số huyện chưa thường xuyên kiểm tra cơ sở, giám sát hoạt động NHCSXH ở địa phương mình.

Để góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, tập trung giải quyết cơ bản về vấn đề việc làm cho người lao động và những nhiệm vụ được giao khác, thời gian tới cần tập trung một số nhiệm vụ cơ bản sau:

- NHCSXH tỉnh chủ động khai thác các nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, địa phương, của các thành phần kinh tế để tăng trưởng tín dụng, đảm bảo 100% vốn tín dụng chính sách đến được với đối tượng thụ hưởng; tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng, hỗ trợ và tư vấn cách thức sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

- Trong công tác quản lý tín dụng, đi đôi với việc tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phải chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng tín dụng. Các địa phương phải quan tâm thực hiện các giải pháp phối hợp chặt chẽ hoạt động tín dụng với hướng dẫn tổ chức sản xuất, gắn với chương trình khuyến nông, khuyến lâm và chuyển giao công nghệ. Các tổ chức hội-đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ  nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên cần phối hợp với NHCSXH làm tốt cơ chế ủy thác cho vay, quản lý vốn vay sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

- Chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm hơn nữa, coi NHCSXH là công cụ xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách cho người nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban đại diện Hội đồng Quản trị phải tích cực hoạt động theo đúng quy chế, thường xuyên kiểm tra, giám sát ở cơ sở, tạo điều kiện cho NHCSXH hoạt động.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung sức nâng cao năng lực tài chính cho NHCSXH, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; quan tâm xử lý nợ tồn đọng, kiên quyết xử lý những trường hợp chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ, ngăn chặn tình trạng xâm tiêu vốn của Nhà nước, đảm bảo vốn vay NHCSXH phải được luân chuyển có hiệu quả.

Nhiệm vụ của NHCSXH trong giai đoạn tới còn rất nặng nề, không những phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho hộ nghèo, vùng nghèo, cho vay học sinh sinh viên mà còn tiếp tục mở rộng đối tượng phục vụ cho vay hộ cận nghèo, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở giai đoạn II…

Vì vậy NHCSXH phải từng bước trang bị phương tiện làm việc để triển khai các mặt nghiệp vụ; chú trọng ứng dụng công nghệ tin học vào hoạt động, triển khai tốt công tác thanh toán chuyển tiền điện tử, các dịch vụ ngân hàng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, viên chức để hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện, xem xét bổ sung vốn để NHCSXH ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của mình trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phùng Ngọc Mỹ
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh

Có thể bạn quan tâm