Chính trị

Tin tức

Góp ý kiến đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bí thư và Phó Bí thư 35 Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Nam, miền Trung Tây Nguyên tham gia Hội thảo góp ý đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

 

 Hội thảo góp ý kiến vào đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng
Hội thảo góp ý kiến vào đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng



Sáng 1-4, tại TP. Hồ Chí Minh, Ban chỉ đạo Đề án Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo đề cương đề án “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Dự hội thảo có các Ủy viên Trung ương Đảng; Bí thư và Phó Bí thư 35 Tỉnh ủy, Thành ủy khu vực miền Nam, miền Trung- Tây Nguyên; lãnh đạo một số bộ ngành, lãnh đạo một số cơ quan báo chí trung ương.

Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức trung ương, Phó Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án chủ trì hội thảo.

Đề cương đề án đặt ra rất nhiều vấn đề lớn, cấp bách hiện nay về phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị. Trong khuôn khổ hội thảo này, các đại biểu từ thực tế của địa phương mình cho ý kiến về một số điểm cụ thể.

Đó là, thời gian tới, Đảng lãnh đạo Nhà nước và thông qua Nhà nước để thực hiện vai trò lãnh đạo như thế nào. Có 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, ở đây tập trung bàn về phương thức “Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị”. Tất cả phải đảm bảo Đảng luôn luôn giữ vai trò lãnh đạo nhưng phải chăm lo xây dựng Đảng, phải đổi mới để đưa đất nước phát triển.

Tổ chức các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội ở trung ương và địa phương như thế nào để hiệu quả nhất, khắc phục tình trạng chồng chéo, tình trạng một việc nhưng nhiều tổ chức, cơ quan cùng làm.

Đề án cũng đặt vấn đề: lãnh đạo về chính trị thì tập trung ở trung ương nhưng lãnh đạo và chỉ đạo về kinh tế thì phải phân quyền cho địa phương nhiều hơn. Đây cũng là việc thực hiện điều 10 của Điều lệ Đảng là “hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước” như thế nào cho đúng.

Về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng đã yêu cầu rõ về sự tinh gọn, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đề án đặt vấn đề: Bộ máy hiện nay đã phù hợp chưa, làm sao để sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với tình hình mới; làm sao để phân cấp hợp lý giữa các cơ quan nhà nước, giữa trung ương với địa phương để tăng tính tự chủ, gắn với trách nhiệm, thẩm quyền; có thể khoán thu-chi thường xuyên, khoán biên chế được không? Hiện nay, cả nước có 5.978.000 người trong bộ máy từ trung ương đến địa phương đang hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách nhà nước (không tính lực lượng vũ trang). Tinh giản biên chế thực sự là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh một trong những việc phải làm là tinh giản bộ máy và xây dựng bộ máy cho gọn nhẹ, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Nội dung này đã được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội XII.

Ông Phạm Minh Chính đề nghị, từ thực tiễn và kinh nghiệm, hội thảo cần có ý kiến để: Tạo sự thống nhất về nhận thức; Định hướng cho rõ Đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội thế nào, phân cấp phân quyền giữa trung ương và địa phương thế nào, chính quyền ở trung ương thế nào, chính quyền địa phương thế nào, khoán kinh phí, biên chế, tổ chức thế nào để cho có hiệu quả.

Trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội thảo này, Ban Biên tập đề án sẽ bổ sung, hoàn thiện để trình Bộ Chính trị trong tháng 8 và trình Ban Chấp hành Trung ương trong tháng 10 năm nay.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm