Chính trị

Tin tức

Góp ý sửa đổi quy định về xếp loại hàng năm đối với tập thể và cá nhân trong hệ thống chính trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 30-5, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến tham gia góp ý về sửa đổi, bổ sung Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 8-3-2018 của Bộ Chính trị về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Đồng chí Hoàng Đăng Quang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: Anh Huy

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Gia Lai có các đồng chí: Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh; đại diện lãnh đạo Phòng Chính trị/Phòng công tác Đảng các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Quy định 132, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; công tác kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân hàng năm ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng. Công tác chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm tự phê bình và phê bình hàng năm được cấp ủy các cấp quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, toàn diện, hiệu quả, đúng thời gian quy định gắn với chức năng, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghị quyết, kết luận Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Từ năm 2018 đến năm 2022, bình quân có 199.334 tập thể và 4.799.357 đảng viên tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình; có 28.229 tập thể và 46.138 đảng viên được gợi ý kiểm điểm. Sau kiểm điểm, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên đều xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được kết luận với phương châm những khuyết điểm có thể khắc phục ngay thì phải sửa chữa, khắc phục ngay; những khuyết điểm cần có thời gian để chuẩn bị thì xây dựng, xác định rõ thời gian, lộ trình cụ thể để sửa chữa, khắc phục.

Về đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân từ năm 2018 đến năm 2022, mỗi năm có 1.263 Đảng bộ cấp trên cơ sở được đánh giá, xếp loại, trong đó có 240 Đảng bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (chiếm 19%); 51.799 tổ chức cơ sở Đảng được đánh giá, xếp loại, trong đó 9.863 tổ chức cơ sở Đảng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (chiếm 19%); 248.023 chi bộ trực thuộc được đánh giá xếp loại, trong đó 48.314 chi bộ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (chiếm 19,5%); 4.664.958 đảng viên được đánh giá, xếp loại, trong đó 662.601 đảng viên “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (chiếm 14,2%).

Đối với tập thể lãnh đạo, quản lý và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ năm 2018 đến năm 2022, mỗi năm có 2.757 tập thể đảng đoàn, ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý các sở, ban, ngành cấp tỉnh được đánh giá, xếp loại, trong đó tỷ lệ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” đạt 24,9%; có 22.042 tập thể Ban Thường vụ, các ban, cơ quan tham mưu của Đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý các phòng, đơn vị... được đánh giá, xếp loại, trong đó tỷ lệ “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” chiếm 24%...

Tại hội nghị, các ý kiến đã cơ bản thống nhất về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Quy định 132 nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, góp phần tạo đột phá trong công tác đánh giá, sử dụng cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Theo đó, các ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung, tập trung vào các nhóm vấn đề, gồm: nguyên tắc kiểm tra, đánh giá, xếp loại; các căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại; đối tượng kiểm điểm; nội dung kiểm điểm; trách nhiệm, thẩm quyền; đối tượng đánh giá, xếp loại; tiêu chí đánh giá, xếp loại; phương pháp, quy trình, đánh giá, xếp loại; tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; các tiêu chí xếp loại chất lượng; tổ chức thực hiện;... Đặc biệt, một số ý kiến đề nghị hướng dẫn cụ thể với các trường hợp: việc đánh giá, xếp loại đối với tập thể lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị chỉ có 1 thành viên lãnh đạo; làm rõ việc kiểm điểm của tập thể, cá nhân gắn với kết luận của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan chức năng; việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đối với đảng viên đã nghỉ hưu hoặc hết tuổi lao động, không đảm nhiệm chức vụ công tác Đảng, chính quyền, MTTQ , các đoàn thể ở cơ sở...

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Hoàng Đăng Quang ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu. Đồng thời đề nghị Ban Tổ chức các Tỉnh ủy, Thành ủy tiếp tục gửi văn bản góp ý về Ban Tổ chức Trung ương, trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Trung ương tổng hợp, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo sớm trình Bộ Chính trị.

Có thể bạn quan tâm