Thời tiết

Hà Tĩnh, Quảng Ninh và TP. Quy Nhơn có chỉ số nóng bức đạt mức nguy hiểm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 24-8, chỉ số nóng bức (Heat-Index) tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh và TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đạt mức nguy hiểm (41-54). Người dân dễ bị say nắng, kiệt sức vì nóng, thậm chí có thể bị sốc nhiệt nếu hoạt động kéo dài ở ngoài trời nắng mà không có đồ bảo hộ. 
Người dân cần mang đồ bảo hộ đầy đủ khi đi dưới trời nắng nóng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ảnh: SKĐShời tiết nắng nóng
Người dân cần mang đồ bảo hộ đầy đủ khi đi dưới trời nắng nóng để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ảnh: SKĐSO
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng còn khiến chỉ số nóng bức tại một số tỉnh, thành phố đạt mức đặc biệt cẩn trọng (31-41) gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. Đà Nẵng, quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), TP. Hồ Chí Minh và TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Ở mức nhiệt này, người dân có khả năng bị chuột rút hoặc kiệt sức vì nóng khi tiếp xúc với nắng nóng ngoài trời hoặc hoạt động thể chất kéo dài. 
Chỉ số nóng bức được xếp theo 5 cấp độ: dưới 27 là an toàn, 27-32 là cẩn trọng, 32-41 là đặc biệt cẩn trọng, 41-54 là mức nguy hiểm, trên 54 là cực kỳ nguy hiểm.
Theo Wikipedia, chỉ số nóng bức là một chỉ số kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí trong các khu vực bóng râm để ấn định nhiệt độ tương đương theo cảm nhận của con người, về mức độ nóng bức mà người ta cảm nhận được. Chẳng hạn khi nhiệt độ là 32 độ C (90 độ F) với độ ẩm tương đối 70% thì chỉ số nóng bức là 41 độ C (106 độ F). Nhiệt độ của chỉ số nóng bức này có độ ẩm hiểu ngầm (không được nhắc đến) là 20%.
Chỉ số nóng bức có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người khi lao động, làm việc trong điều kiện có nền nhiệt độ cao vào mùa hè. Cơ thể con người tự làm mát bằng sự ra mồ hôi. Tuy nhiên, nếu độ ẩm tương đối cao thì sẽ làm giảm tốc độ bay hơi. Điều này làm giảm tốc độ loại bỏ nhiệt từ cơ thể, vì thế tạo ra cảm giác nóng bức. Các cá nhân khác nhau sẽ có cảm nhận sự nóng bức khác nhau vì nhiều lý do như: sự khác biệt về hình dáng cơ thể, về trao đổi chất, khác biệt trong sự thủy hóa, thai nghén, mãn kinh, các tác động của việc dung thuốc.
Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cũng cho biết, ngày 24-8, chỉ số tia cực tím cực đại tại các thành phố trên cả nước phổ biến đều ở mức nguy cơ gây hại cao đến rất cao (6.3-9.7), riêng TP. Hồ Chí Minh ở ngưỡng cao (6.8-7.4). 
Trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 13 giờ ngày 24-8, các thành phố có chỉ số tia cực tím cực đại đạt mức nguy cơ gây hại rất cao gồm: TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là 9.0, TP. Hải Phòng là 9.2, Thủ đô Hà Nội là 9.3, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là 9.4, TP. Đà Nẵng là 9.1, TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 9.2, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.7, TP. Cần Thơ là 9.4, TP. Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 9.2.
Dự báo từ ngày 25 đến 27-8, các tỉnh, thành phố ở Bắc Bộ và Trung Bộ có chỉ số tia cực tím cực đại giảm xuống mức nguy cơ gây hại trung bình (3.0-5.0) vào ngày 26-8 trước khi tăng trở lại ngưỡng cao đến rất cao (6.0-9.0). Trong khi đó, khu vực Nam Bộ và TP. Nha Trang duy trì chỉ số này ở mức cao (6.0-8.0) trong 2 ngày 25 và 26-8, sau đó tăng lên mức rất cao (9.0-10.0) ở ngày 27-8.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt do nóng bức, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn uống bù đủ nước để làm mát cho cơ thể.
Thang bảng đo chỉ số tia cực tím quy định, từ 3-5 là trung bình, từ 6-7 là cao, từ 8-10 là rất cao. Ở mức rất cao, tia cực tím có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp liên tục trong 25 phút. Chỉ số từ 11 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.
TRẦN ĐỨC (tổng hợp)
 

Có thể bạn quan tâm