Chính trị

Tin tức

Hai thế hệ Mẹ Việt Nam Anh hùng trong một gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thôn Minh Thành (xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) là nơi có truyền thống cách mạng, cứ 3 gia đình thì có 2 gia đình liệt sĩ. Trong đó, gia đình ông Vi Mão có 2 thế hệ Mẹ Việt Nam Anh hùng. Thế hệ thứ nhất là Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thảo được truy tặng năm 2016 vì có 2 con liệt sĩ là Vi Ất và Vi Mà.

Thế hệ thứ hai là con dâu Huỳnh Thị Hiệp, được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1995, có liệt sĩ Vi Anh là người con độc nhất. Tất cả những liệt sĩ trong gia đình ông Vi Mão trước lúc hy sinh đều có hành động dũng cảm để lại tiếc thương cho nhiều người dân Quảng Ngãi.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Liệt sĩ Vi Mà hy sinh năm 1965. Địch bắt ông trong một trận càn quét. Chúng buộc ông khai báo nhưng ông kiên quyết kháng cự đến cùng. Biết không khai thác được gì nên chúng đã đem ông ra xử bắn. Trước khi ngã xuống, ông hô to: “Đả đảo bọn Mỹ-ngụy”. Liệt sĩ Vi Anh (con của liệt sĩ Vi Ất) hy sinh năm 1968. Ông cùng đồng đội chiến đấu kiên cường, dũng cảm trong một trận đánh vào cơ quan đầu não Mỹ-ngụy ở thị xã Quảng Ngãi. Cuộc chiến không cân sức nhưng đã diễn ra rất quyết liệt trong nhiều giờ đồng hồ.

Cả 3 người trong tổ trinh sát Hoàng Anh đều hy sinh. Nhưng chiến công của họ đã gây chấn động lớn trong hàng ngũ địch. Nhiều tên hoang mang dao động, phải nghỉ việc và lẩn tránh đi nơi khác. Chiến công này đến nay vẫn sống mãi trong lòng đồng đội của các ông, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang cho lực lượng vũ trang địa phương và được ghi vào sử sách của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Liệt sĩ Vi Ất hy sinh năm 1969, chỉ  8 tháng sau khi người con duy nhất Vi Anh ra đi. Ông hy sinh trong lúc chiến đấu, ngay tại hầm bí mật trong một trận càn của địch.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Minh Thành là thôn có truyền thống đào hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ cách mạng và cất giữ vũ khí, đạn dược. Trong số cán bộ từng nằm hầm bí mật ở đây, nhiều người sau này đã trở thành cán bộ chủ chốt của các tỉnh và Trung ương, trong đó có cả tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Tôi trở lại thôn Minh Thành lần này là để tiễn đưa mợ tôi, Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Hiệp về cõi vĩnh hằng và thắp nén hương cho bà ngoại tôi, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thảo-những người đã mất chồng, mất con khi tuổi đời còn rất trẻ. Cuộc đời người phụ nữ, không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất chồng, mất con. Nhưng trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Hiệp hay Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thảo cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác phải nén đau thương, phải vượt qua mọi mất mát để cuộc chiến đấu đi đến thắng lợi, để tự hào khi người thân của mình hy sinh vì nghĩa lớn, vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước hôm nay đang chuẩn bị đón xuân thống nhất lần thứ 43. Có được Tổ quốc độc lập, tự do như hôm nay, phải nói đến công lao đóng góp của các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Các mẹ không chỉ đóng góp công sức, mồ hôi, nước mắt và xương máu, mà cả sự hy sinh lặng thầm, mất đi những người chồng, người con thân yêu nhất. Sự hy sinh của các mẹ hết sức cao cả, đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc, quê hương, luôn là tấm gương sáng cho bao thế hệ con cháu hôm nay và mãi sau này học tập , noi theo. Thời gian trôi theo năm tháng. Xã hội vận động theo quy luật của tạo hóa. Đời người ai cũng có sự thay đổi theo sự xoay vần của thế sự. Nhưng công lao của các Mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn vẹn nguyên trong lòng dân tộc, trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam.

Trung Anh

Có thể bạn quan tâm