Sức khỏe

Tin tức

Hạn chế nguồn cung các loại thuốc kháng virus, điều trị Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nguồn cung của thuốc kháng virus đang vô cùng khan hiếm, đặc biệt là Paxlovid, trong bối cảnh số người nhập viện vì COVID-19 hiện nay tại Mỹ đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch.

Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 của hãng Pfizer (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Theo số liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến, với trung bình hơn 747.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Con số này cao gần gấp 3 lần so với số ca mắc trung bình hằng ngày cách đây 1 năm, khiến các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Một vấn đề nữa là nguồn cung các loại thuốc điều trị COVID-19 hiện nay vẫn còn ít nếu so với số bệnh nhân đang tăng cao nhanh chóng.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp hai loại thuốc kháng virus mới, gồm Paxlovid và Molnupiravir để điều trị COVID-19 từ thể nhẹ đến trung bình.
Molnupiravir giúp giảm khoảng 30% tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân có nguy cơ cao song có một số tác dụng phụ tiềm ẩn.
Trong khi đó, Paxlovid giúp giảm tỷ lệ nhập viện khoảng 90% và được coi là an toàn hơn.
Tuy nhiên, nguồn cung của cả 2 loại thuốc này đều đang vô cùng khan hiếm, đặc biệt là Paxlovid, trong bối cảnh số người nhập viện vì COVID-19 hiện nay tại Mỹ đang cao hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch.
Trường Đại học San Francisco là một trong 5 cơ sở đại học thuộc bang California được cấp Paxlovid.
Tuy nhiên, số thuốc này nhanh chóng cạn kiệt chỉ trong vòng 10 ngày, buộc họ phải chuyển sang dùng Molnupiravir.
Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ chịu trách nhiệm phân phối và cấp phát dược phẩm. Thuốc kháng virus như Paxlovid và Molnupiravir được phân phối dựa trên dân số.
Giáo sư y khoa Shireesha Dhanireddy tại Đại học Y khoa Washington và Trung tâm Y tế Harbourview cho biết hệ thống bệnh viện đang đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân theo hướng dẫn của Viện Y tế quốc gia, trong đó ưu tiên những thuốc trên để điều trị những người có nguy cơ cao nhất gồm người suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tháng 12 năm ngoái, hãng dược phẩm Mỹ Pfizer cho biết sẽ tăng cường khả năng sản xuất thuốc viên dưới tên gọi Paxlovid dùng trong điều trị COVID-19 trong năm 2022, theo đó tăng sản lượng lên 120 triệu liệu trình, so với 80 triệu liệu trình dự kiến trước đó.
Chính phủ Mỹ tuần trước đã tăng gấp đôi đơn đặt hàng Paxlovid từ 10 triệu lên 20 triệu liệu trình, dự kiến sẽ được bàn giao trong những tháng tới. Mức giá cho mỗi liệu trình này là 530 USD.
Theo phân tích của hãng tin CNN, 20 triệu liệu trình điều trị đó có thể ngăn chặn hơn một triệu ca nhập viện, dựa trên hiệu quả cao của Paxlovid.
Tuy nhiên, với thời gian cần thiết để mở rộng quy mô sản xuất, phần lớn liệu trình đó sẽ không thể đến tay người dân trong những tháng tới.
Các chuyên gia dự đoán tình hình dịch bệnh tại Mỹ sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được cải thiện do số người nhiễm bệnh tiếp tục tăng lên.
Ngoài số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục, có 145.982 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện - cao bất kỳ thời điểm nào khác trong đại dịch.
Việc ngày càng nhiều người nhập viện đang đặt ra gánh nặng lớn hơn cho hệ thống chăm sóc y tế của Mỹ.
Phương Oanh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm