Giải trí

Âm nhạc - Điện ảnh

Hàn Quốc đau đáu việc Taylor Swift giúp Singapore thu 500 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau chuyến Eras Tour giúp Singapore thu hơn 500 triệu USD, chuyên gia phân tích lý do Taylor Swift hơn một thập kỷ không trở lại Hàn Quốc biểu diễn.

Theo Korea Joongang Daily, vì sao Taylor Swift không đến Hàn Quốc kể từ năm 2011? là câu hỏi đè nặng lên Swifties Hàn Quốc. Lần cuối ngôi sao nhạc pop người Mỹ biểu diễn ở Hàn Quốc khoảng 13 năm trước.

Chuyện Taylor Swift không trở lại Hàn Quốc không phải điều khó hiểu.

Hàn Quốc đau đáu tìm lý do

Tháng 2/2011, Taylor Swift có buổi diễn tại KSPO Dome ở quận Songpa, nam Seoul, sức chứa 15.000 người. Tuy nhiên, buổi diễn không bán hết vé. Đó là một trong những lý do nữ ca sĩ không mặn mà với Hàn Quốc.

Công ty quản lý của Swift (Universal Music) lẫn công ty quảng bá tour Anschutz Entertainment Group (AEG) đều không bình luận lý do nữ ca sĩ chỉ dừng chân ở Nhật Bản và Singapore cho chặng Eras Tour ở châu Á. Nhưng những người trong ngành Hàn Quốc đều đồng ý một điều: Taylor Swift khó biểu diễn ở Hàn Quốc, ngay cả khi cô muốn.

Sân vận động chính Olympic ở Jamsil, sân vận động thể thao lớn nhất Hàn Quốc, bắt đầu cải tạo vào năm ngoái, không hoạt động trở lại cho đến tháng 12/2026. Trong khi đó, quá trình cải tạo của Gocheok Sky Dome kết thúc vào tháng này nhưng sân sẽ không mở cửa cho bất kỳ sự kiện âm nhạc nào trong mùa bóng chày. Sân vận động World Cup hiếm khi cho phép những người xem hòa nhạc bước đi trên sân cỏ được chăm sóc tỉ mỉ.

Hàn Quốc có những địa điểm tổ chức hòa nhạc, nhưng không phải chỗ nào cũng có sức chứa vài chục nghìn khán giả. Ko Kee Ho, phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hòa nhạc Hàn Quốc (Mciak), cho biết: “Tình trạng tắc nghẽn đặt chỗ hiện tại rất nghiêm trọng. Taylor Swift không đến Hàn gây chú ý, nhưng có những ngôi sao lớn như Coldplay, Sam Smith cũng bỏ qua chúng tôi”.

Theo thông lệ, các buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức tại sân vận động thể thao, nhưng tình trạng sân vận động đủ sức chứa khan hiếm ở Hàn Quốc. KSPO Dome có 15.000 chỗ ngồi, được xem là lựa chọn tốt cho nghệ sĩ. Điều đó có nghĩa là các ngôi sao đổ xô đến đây đặt chỗ biểu diễn.

Hàn Quốc không có sân vận động đủ sức chứa để Taylor Swift biểu diễn?

Hàn Quốc không có sân vận động đủ sức chứa để Taylor Swift biểu diễn?

“Đây gần như là một cuộc chiến của tất cả nghệ sĩ, trong và ngoài Hàn Quốc”, đại diện đơn vị tổ chức Liên hoan nhạc Jazz Seoul hàng năm, nói.

Hiện, Gocheok Sky Dome và KSPO Dome đều là lựa chọn tốt nhất cho các nghệ sĩ tên tuổi. Nhưng hiện tại, hai sân khấu chỉ ưu tiên cho nghệ sĩ trong nước vì họ đặt chỗ trong nhiều tuần. Thông thường sao nước ngoài chỉ tổ chức concert khoảng vài ngày. Cuối cùng, Hàn Quốc bỏ qua nhiều nghệ sĩ nước ngoài vì ưu tiên cho idol, ca sĩ trong nước.

Taylor Swift chưa đưa ra tuyên bố chính thức về việc không chọn Hàn Quốc. Và cũng không có nghệ sĩ nào lại nói lý do họ thích quốc gia nào hơn. Nhưng rõ ràng, Hàn Quốc không có sân vận động đủ lớn để nữ nghệ sĩ biểu diễn.

Hai địa điểm khác ở châu Á mà cô dừng chân là Tokyo Dome ở Nhật Bản và Sân vận động Quốc gia Singapore đều có sức chứa lên tới 55.000 người cùng lúc. Taylor Swift đã tổ chức bốn buổi hòa nhạc tại Nhật Bản và đến 6 đêm diễn khổng lồ tại Singapore. Nghĩa là nếu tổ chức show ở Hàn Quốc, cô phải diễn thêm gấp đôi, thậm chí gấp 3 số đêm diễn để đạt doanh thu tương đương.

Thực tế khác là buổi diễn cuối của Taylor Swift tại Hàn Quốc không để lại kỷ niệm đẹp cho nữ ca sĩ, nhất là khi vé ở Hàn không sold-out. Vì vậy, ông Chung Tae Young, CEO Hyundai Card, nói việc nghe Swift nói "Hello, Seoul" thời gian tới chỉ là suy nghĩ viển vông.

Một người trong ngành nói rằng sẽ đến lúc Taylor Swift nghĩ đến chuyện sang Hàn Quốc diễn. "Doanh thu quan trọng đó, nhưng không phải lúc nào cũng nên ưu tiên. Công ty quản lý của Swift phải cân nhắc mọi thứ, thu nhập tiềm năng, chi phí, lượng người hâm mộ, độ tương tác trực tuyến"...

Taylor Swift không được yêu thích nhiều ở Hàn Quốc

Việc buổi hòa nhạc trước của Taylor Swift tại Hàn không bán hết vé dù sức chứa nhỏ khiến quốc gia này đứng sau trong danh sách ưu tiên. Nhưng cũng có một số người cho rằng việc nữ ca sĩ từ chối Hàn Quốc đến từ quyền lực quốc gia.

Có thông tin cho rằng chính phủ Singapore đưa ra ưu đãi, trong đó có khoản tài trợ 3 triệu USD để nữ ca sĩ diễn độc quyền tại Singapore trong Era Tours Đông Nam Á.

Thủ tướng Lý Hiển Long sau đó xác nhận với truyền thông rằng Singapore có khoản ưu đãi nhất định với Swift nhưng đó không phải hành động thiếu thân thiện với các nước láng giềng.

"Khi thương vụ thành công, tôi không thấy điều đó sai hay thiếu thân thiện với các nước láng giềng", ông Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN.

Người Hàn Quốc không quá mặn mà với Taylor Swift.

Người Hàn Quốc không quá mặn mà với Taylor Swift.

Ngoài ra, thời tiết cũng là lý do khiến Taylor Swift không đến Hàn Quốc. Nhiệt độ dưới 0 độ C khắc nghiệt của Hàn Quốc trong mùa đông gây khó khăn cho nghệ sĩ và ban nhạc diễn ngoài trời. Vì Hàn Quốc không có sẵn sân vận động trong nhà đủ lớn, nên đó là bất lợi lớn của quốc gia này.

Điều đặc biệt cần lưu ý Hàn Quốc là lò đào tạo idol thành công nhất thế giới. Taylor Swift không quá hợp nhãn, thị hiếu khán giả Hàn.

Theo chuyên gia, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc bảo thủ trong việc chấp nhận văn hóa nước ngoài. Chưa có ca khúc ngoại quốc nào đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc trong nước như Melon, Genie Music hay Bugs.

Perfect Night (2023) của Le Sserafim từng gây bàn tán khi giành vị trí số 1 trên các bảng xếp hạng âm nhạc. Đây là ca khúc có lời tiếng Anh duy nhất làm được điều này. Nhưng ca khúc cũng đến từ nhóm nhạc nội địa.

Taylor Swift: The Eras Tour (2023) là bộ phim đánh tiếng thị trường âm nhạc của ê-kíp nữ ca sĩ. Nhưng theo Hệ thống thông tin phòng vé Hàn Quốc (Kobis), tác phẩm không hot ở Hàn Quốc, đạt đỉnh đạt đỉnh 37% tổng số vé chỉ định cho bộ phim, con số thấp với phim bom tấn.

Việc nữ ca sĩ tự nhận bản thân là "người kể chuyện" cũng chỉ ra cách khác biệt giữa văn hóa nghe nhạc giữa người Mỹ và dân Hàn. Khán giả Hàn Quốc thích xem cái toàn cảnh hơn là hình ảnh người phụ nữ đắc thắng, độc tôn trong nền văn hóa riêng.

“Các ca khúc của Taylor Swift có đôi chút khác biệt so với những ngôi sao nhạc pop khác mà người Hàn Quốc thường yêu thích, chẳng hạn như Benson Boone hay Charlie Puth. Và không có gì lạ khi nghệ sĩ phát triển mạnh ở quốc gia này nhưng không viral ở quốc gia khác. Nghệ sĩ Kpop cũng vậy thôi” nhà phê bình nhạc pop Kim Do Heon nói.

Có thể bạn quan tâm