Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Hãng chip Đài Loan hứa giúp Mỹ điều tra đối tác Trung Quốc tội đánh cắp bí mật thương mại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hãng chip United Microelectronics Corp (UMC) của Đài Loan cam kết sẽ "hỗ trợ đáng kể" cho Mỹ trong việc truy tố vụ đánh cắp bí mật thương mại lớn liên quan đến một hãng chip khác của Trung Quốc là Fujian Jinhua Integrated Circuit.

Trụ sở hãng chip United Microelectronics Corp (UMC) tại Đài Loan - Ảnh: BLOOMBERG
Trụ sở hãng chip United Microelectronics Corp (UMC) tại Đài Loan - Ảnh: BLOOMBERG
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 29-10, Tòa án liên bang San Francisco (Mỹ) hôm 28-10 đã tuyên UMC có tội theo dàn xếp với bên công tố Mỹ.
Phía công tố đã đồng ý bỏ những tội danh nghiêm trọng như do thám kinh tế, cũng như âm mưu đánh cắp hoặc xâm phạm thông tin từ Công ty Micron Technology Inc của Mỹ.
Đổi lại UMC thừa nhận đã đánh cắp bí mật thương mại và đồng ý trả 60 triệu USD tiền phạt.
Lời nhận tội của UMC đã giải quyết một phần trong bản cáo trạng quốc tế phức tạp xoay quanh cáo buộc thiết kế bộ nhớ của Micron đã bị chuyển giao bất hợp pháp. Vấn đề này phát sinh trong một thỏa thuận sản xuất chip giữa UMC và Fujian Jinhua.
Dù vậy Bloomberg nhận định nhiều câu hỏi chính trong vụ việc vẫn chưa được giải đáp.
Đây là vụ án đầu tiên được mở ra theo "Sáng kiến Trung Quốc" của chính phủ Tổng thống Donald Trump. "Sáng kiến Trung Quốc" là một chương trình của Bộ Tư pháp Mỹ nhằm ưu tiên giải quyết các vụ đánh cắp bí mật thương mại càng nhanh càng tốt.
Sau khi UMC không còn là bị cáo, Trung Quốc đã trở thành mục tiêu tiếp theo trong lúc quan hệ giữa quốc gia này và các nước phương Tây ngày một căng thẳng về nhiều vấn đề, bao gồm cáo buộc Trung Quốc đánh cắp và kiểm soát các công nghệ chủ chốt, cách Bắc Kinh xử lý dịch COVID-19, việc siết kiểm soát đối với Hong Kong và cách xử lý vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
"UMC nhận toàn bộ trách nhiệm cho hành vi của nhân viên hãng. Chúng tôi cũng rất vui khi đạt được giải pháp thích hợp cho vấn đề này", UMC tuyên bố trong thông báo.
Trong khi đó, Bloomberg chưa thể tiếp cận được Fujian Jinhua.
Fujian Jinhua từng khiếu nại rằng cáo buộc trên đã cản trở khát vọng sản xuất hàng loạt chip nhớ của Trung Quốc. Công ty này cho rằng sự tồn tại của họ đang bị đe dọa kể từ khi bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen năm 2018. Điều đó đã ngăn hãng mua thiết bị sản xuất chip từ Mỹ và làm gián đoạn chuỗi sản xuất của họ.
Phía công tố vẫn chưa công bố chi tiết về cách thức UMC có thể hỗ trợ họ trong trường hợp của Fujian Jinhua. Chính UMC cũng từ chối bình luận về vấn đề ấy.
Dù vậy việc UMC nhận tội đồng nghĩa rằng hãng hiện sẽ giúp đỡ quá trình truy tố tội phạm đối với cựu đối tác từ Trung Quốc của mình. Bloomberg đánh giá điều này sẽ khiến căng thẳng tiếp tục leo thang.
NGUYÊN HẠNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm