Pháp luật

Tin tức

Hàng chục hộ chăn nuôi heo lao đao vì thương lái nợ tiền bỏ trốn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Khi biết bà Võ Thị Vân (SN 1983, tạm trú tại 257/29 đường Đỗ Trạc, thị xã An Khê) không còn ở địa phương, hàng chục hộ chăn nuôi heo tại huyện Đak Pơ và thị xã An Khê rất lo lắng vì trên 11 tỷ đồng bán heo mà bà Vân đang nợ họ không biết đến khi nào mới thu hồi.

Biết có phóng viên đến tìm hiểu sự việc, các hộ chăn nuôi đã tập trung tại nhà ông bà Đỗ Đình Tuấn-Nguyễn Thị Hướng (tổ 3, phường An Tân, thị xã An Khê). Theo danh sách thống kê các hộ chăn nuôi bị bà Vân nợ tiền, hộ ít nhất khoảng 30 triệu đồng, hộ nhiều nhất là ông Tuấn với số tiền hơn 224 triệu đồng. Gia đình ông Tuấn có trại nuôi heo, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng chục tấn heo thương phẩm. Lâu nay, ông Tuấn vẫn bán cho chị Võ Thị Hạnh (tổ 2, phường An Tân). Cuối tháng 7-2021, khi đến nhà ông Tuấn mua heo, chị Hạnh dẫn theo bà Vân và giới thiệu 2 người làm chung. Vì chị Hạnh là người trong phường lại mua bán sòng phẳng nên vợ chồng ông Tuấn tin tưởng bán heo cho bà Vân.

Theo sổ ghi chép, từ ngày 25 đến 27-7, bà Vân mua nợ hơn 10 tấn heo của gia đình ông Tuấn với tổng số trên 582 triệu đồng. Đến ngày 30-7, bà Vân trả hơn 263 triệu đồng, còn lại viết giấy hẹn ngày 15-9 thì trả hết. Trong giấy khất nợ, chị Hạnh cũng ký tên. “Đến ngày hẹn, chị Vân chủ động tới nhà tôi nói rất ngon ngọt, rồi hứa nay mai trả hết. Khi tới ngày trả nợ, chị Vân chỉ trả lắt nhắt, cầm chừng”-ông Tuấn bức xúc nói.

 Các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ tập trung tại nhà ông Đỗ Đình Tuấn để cung cấp thông tin cho phóng viên. Ảnh: Ngọc Minh
Các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn thị xã An Khê và huyện Đak Pơ tập trung tại nhà ông Đỗ Đình Tuấn để cung cấp thông tin cho phóng viên. Ảnh: Ngọc Minh


Không có việc làm, ruộng rẫy ít, chị Bùi Thị Ngọc Thúy (thôn An Thạch, xã Xuân An, thị xã An Khê) nuôi heo kiếm thêm thu nhập. Vì không có tiền nên heo giống và thức ăn chăn nuôi chị đều mua nợ, khi nào bán heo mới thanh toán. Heo tới kỳ xuất chuồng mà giá cả có dấu hiệu đi xuống, chị Thúy nóng ruột nhờ bà con chòm xóm giới thiệu thương lái. Nghe tin chị Thúy bán heo, bà Vân tới đặt vấn đề mua với giá 52 ngàn đồng/kg heo hơi, cao hơn thị trường 2.000 đồng/kg. Thấy việc mua bán thuận lợi nên chị Thúy rất mừng. Nhưng sau đó là những ngày chị đi đòi nợ mòn mỏi.

Theo lời kể của chị Thúy, ngày 20-9-2021, bà Vân tới bắt 10 con heo và viết giấy hẹn trong vòng 10 ngày sẽ trả hết số tiền mua heo hơn 51,7 triệu đồng. Không thực hiện như cam kết, bà Vân hẹn tới hẹn lui. Thấy chị Thúy đi lại đòi gắt gao, bà Vân hứa chắc như đinh đóng cột ngày 10-10 sẽ trả. Sáng 10 và 11-10, chị Thúy đến nhà đòi nợ thì bà Vân lại tiếp tục hứa. “Khi ấy cũng có nhiều người như tôi tới tìm bà Vân đòi nợ tiền bán heo. Hiện bà Vân bỏ đi đâu không rõ, tiền bán heo thì chưa thu được đồng nào mà tôi lại đang nợ tiền đầu tư heo giống, tiền cám gần 60 triệu đồng. Họ tới đòi, tôi lấy tiền đâu mà trả”-chị Thúy nghẹn ngào.

Cuối năm 2020, ông Trần Văn Quang (thôn An Phú, xã Phú An, huyện Đak Pơ) dốc hết vốn liếng và vay mượn để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi heo ở xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro). Vì nợ tiền đầu tư thức ăn chăn nuôi, tiền lãi ngân hàng nên ông Quang mong bán được heo lấy tiền trả nợ. Đầu tháng 9-2021, thông qua bạn bè giới thiệu, ông đã bán 30 con heo với tổng số tiền hơn 176 triệu đồng cho bà Vân. Hiện bà Vân còn nợ ông Quang trên 115 triệu đồng. Đưa chúng tôi xem tập hồ sơ, ông Quang nói: “Ngày 1-10, bà Vân tới nhà viết giấy nhận nợ và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Nguyễn Thế Phương. Tôi thắc mắc thì bà Vân bảo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chồng và hứa vài bữa sẽ trả tiền. Ngày 11-10, tôi tới nhà bà Vân ở số 257/29 đường Đỗ Trạc để đòi nợ thì mới biết bà Vân đã không còn ở đó nữa”.

Nhận được thông tin bà Vân không còn ở tại địa phương, các hộ chăn nuôi heo đã đến Công an thị xã An Khê trình báo sự việc. “Qua khai báo, Công an thị xã An Khê xác minh và hướng dẫn chúng tôi làm đơn gửi Công an tỉnh”-ông Tuấn cho biết.

Các hộ chăn nuôi cho hay: Ngay từ đầu, bà Vân đã lên kế hoạch để lừa họ. Để tạo niềm tin với các hộ chăn nuôi, bà Vân mua heo giá cao, thời gian đầu trả tiền sòng phẳng, chủ động đến nhà hứa trả nợ đúng hẹn, viết giấy khất nợ đàng hoàng, thậm chí thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo ông Đỗ Đình Tuấn, tổng số tiền mà bà Vân còn nợ của hàng chục hộ chăn nuôi ở huyện Đak Pơ và thị xã An Khê là trên 11 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Cường-Tổ trưởng tổ dân phố 1 (phường Tây Sơn, thị xã An Khê): “Bà Võ Thị Vân không phải người địa phương. Bà Vân thuê nhà số 257/29 đường Đỗ Trạc để ở. Hiện bà Vân đã trả nhà và không còn ở đó nữa”.

Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã liên lạc qua điện thoại với Đại tá Hồ Kỳ Trọng-Trưởng Công an thị xã An Khê. Ông Trọng cho biết: Công an thị xã An Khê không thụ lý đơn vì vượt thẩm quyền. Hiện tại, Công an thị xã đã chuyển đơn của người dân đến Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh.

Cũng trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Đỗ Hồng Lam-Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh-xác nhận với phóng viên: “Đơn vị vừa nhận được đơn của người dân do Công an thị xã An Khê chuyển đến theo nguồn tin tố giác tội phạm”.

 

 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm