Có thời điểm hàng giả trên thị trường chiếm tới 75% thị phần, có doanh nghiệp đã phải gửi đơn kêu cứu lên Chính phủ và các bộ ngành.
Một đợt kiểm tra tình hình thực thi quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu thời trang của lực lượng quản lý thị trường tại chợ Ninh Hiệp - Ảnh: MOIT
Sáng 26-11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Bộ Công thương đã tổ chức diễn đàn "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp".
Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh - giám đốc đối ngoại và truyền thông L'Oréal Việt Nam - cho biết năm 2008, chỉ một năm sau khi thương hiệu này chính thức đến Việt Nam, thị trường Hà Nội tràn ngập các cửa hàng mang bảng hiệu "L’Oreal chính hãng". Có lúc hàng giả chiếm lĩnh thị trường với thị phần lên đến 75% và trở thành nguồn cung cấp sản phẩm làm đẹp chủ lực cho người tiêu dùng.
Kêu cứu vì hàng giả bủa vây
Bởi vậy, doanh nghiệp này đã phải gửi công văn kêu cứu tới nhiều cơ quan cấp Chính phủ, các cuộc họp cấp cao và nhờ đó việc kiểm soát chặt thị trường kể từ năm 2010 đã giúp thị phần mỹ phẩm giả giảm đáng kể.
Thế nhưng, bà Trinh cho biết với sự phát triển thương mại điện tử, năm 2015 hàng giả lại biến tướng sang hàng xách tay, bày bán công khai trên các trang mạng.
"Việc chuyển hướng kinh doanh ồ ạt qua mạng làm cho việc chống hàng giả trở nên khó khăn và vất vả hơn do khả năng điều tra và kiểm tra các kho hàng được đặt trong các hộ gia đình là không khả thi. Như với L'Oreal, tại Việt Nam hàng xách tay và hàng giả đến hơn 60%, quảng cáo hàng giả thậm chí xuất hiện công khai trên các trang báo mạng tin cậy" - bà Trinh cho hay.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổng cục QLTT - cho biết các đối tượng vi phạm thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự tham gia của các đối tượng nước ngoài, được tổ chức ngày càng tinh vi, có sự câu kết từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, sử dụng phương tiện công nghệ, kỹ thuật cao để đối phó các cơ quan chức năng.
Đặc biệt, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua mạng Internet ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp trong khi các chế tài xử lý vi phạm vẫn chưa hoàn thiện.
Chế tài không đủ sức răn đe
Trong khi đó, mức xử phạt cao nhất cho hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ với hàng hóa công nghiệp là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, trong khi không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự.
Do đó, thượng tá Đỗ Đức Tạo - phó trưởng phòng 11 thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công An (C03) - cho rằng dù trị giá hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỉ đồng hoặc nhiều hơn, cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính.
"Thực tiễn dẫn đến một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính và thông thường các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn. Tuy nhiên cách xử lý này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm" - ông Tạo cho hay.
Ông Phan Ngân Sơn - phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và công nghệ - cũng cho rằng thách thức đặt ra là yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do ngày càng cao hơn, buộc các chủ thể tham gia phải tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các chế tài xử phạt của ta lại chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính, việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ chưa được chặt chẽ.
Do đó, theo ông Sơn, để thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ, cần tập trung giải pháp như nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường nguồn nhân lực, xây dựng văn hoá sở hữu trí tuệ…
N.An (TTO)