Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore 2018 quảng bá hàng trăm sản phẩm nông thủy sản, đồ gia dụng mang thương hiệu Việt Nam và hình ảnh văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến với người tiêu dùng Singapore lẫn quốc tế
Những ngày này, khách hàng mua sắm tại hơn 300 điểm bán của hệ thống NTUC FairPrice ở Singapore dễ dàng bắt gặp hình ảnh các kệ sản phẩm rau củ, trái cây, nông sản - thực phẩm chế biến xuất xứ Việt Nam được bố trí ở khu vực riêng, bên trên là các bảng quảng cáo "Enjoy the Vivid Flavours of Vietnam, 13-26 Nov 2018".
Từ giới thiệu, mời dùng thử
Tại FairPrice Xtra trong SportHub, nơi tập trung trưng bày nhiều sản phẩm Việt được trưng bày nhất, hàng Việt được chất đầy những kệ đặt dọc hành lang theo từng nhóm hàng, từ trái cây đến thực phẩm đóng gói, gạo, nước trái cây, sữa, bia… với bảng giá cụ thể cho từng mặt hàng được đặt ở vị trí dễ thấy nhất cho khách dễ tham quan. Ở đầu mỗi kệ hàng là những quầy giới thiệu sản phẩm có nhân viên trực tiếp đứng quầy chế biến, mời khách hàng dùng thử các món ăn Việt.
Những hoạt động này nhằm tập trung giới thiệu hàng Việt trong chương trình "Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore năm 2018 - Vietnam Fair 2018" kéo dài từ ngày 13 đến 26-11, chào bán hơn 650 mặt hàng Việt Nam thuộc 40 nhóm sản phẩm tại hơn 300 điểm bán, trong đó bao gồm hơn 140 siêu thị. Chương trình này do Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) phối hợp cùng đối tác NTUC FairPrice đồng tổ chức nhân Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 tổ chức tại Singapore, dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương Việt Nam và UBND TP HCM.
Người tiêu dùng Singapore chuộng các loại thực phẩm chế biến Việt Nam. Ảnh: Minh Nhi
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho biết để chuẩn bị sự kiện này, từ tháng 6 đến nay, Saigon Co.op đã đưa hơn 100 container hàng hóa sang Singapore. "NTUC FairPrice là HTX và là nhà bán lẻ hàng đầu Singapore sở hữu các thương hiệu nổi tiếng FairPrice Supermarkets, FairPrice Finest, FairPrice Xtra, FairPrice Xpress, và Unity. Liên doanh giữa Saigon Co.op và NTUC FariPrice thành lập từ tháng 5-2013, đến nay đã phát triển thành công 3 đại siêu thị Co.opXtra tại quận Thủ Đức, quận 7, quận 10 và hơn 12 cửa hàng tiện lợi 24h Cheers tại các quận nội thành TP HCM. Sắp tới, liên doanh sẽ phát triển nhiều hơn nữa các điểm bán tại TP HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành khác. Trong năm nay, liên doanh sẽ mở đại siêu thị Co.opXtra thứ 4, sang năm 2019 sẽ mở thêm đại siêu thị nữa tại Việt Nam" - ông Đức cho biết.
Đến cơ hội gia tăng xuất khẩu
Bên cạnh việc hợp tác phát triển hệ thống bán lẻ, thông qua liên doanh, Saigon Co.op đã xuất khẩu thành công nhiều loại nông sản, đồ dùng chất lượng cao sang thị trường Singapore. Trung bình mỗi năm, Saigon Co.op xuất khẩu hơn 200 container hàng hóa với các chủng loại sản phẩm đa dạng bao gồm cá basa phi lê, tôm, khoai lang, dưa lưới, bưởi da xanh, dừa và các mặt hàng thực phẩm công nghệ… với doanh thu mang về khoảng 6 triệu USD. Doanh số xuất khẩu vào thị trường này rất ấn tượng: trên 20%/năm.
Đánh giá về sản phẩm Việt Nam, ông Seah Kian Peng, Giám đốc điều hành NTUC FairPrice, cho biết người tiêu dùng Singapore ngày càng ưa chuộng các sản phẩm Việt Nam. Nhân sự kiện Vietnam Fair, một số mặt hàng gạo, nước mắm, sữa, trái cây, hải sản đông lạnh… được giảm giá đến 45% để khuyến khích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn. Tính từ năm 2010 đến 2017, sản phẩm Việt Nam xuất sang Singapore đã tăng 76%. Đến nay, gạo Việt Nam đã chiếm 23% sản lượng gạo bán tại hệ thống FairPrice, các mặt hàng tẩy rửa chiếm 11%, thủy sản đông lạnh chiếm 11%. Ngoài ra, các sản phẩm rau củ quả, cà phê, bia và dụng cụ gia đình... xuất xứ từ Việt Nam với giá cả rất cạnh tranh từ Việt Nam cũng được người tiêu dùng Singapore chấp nhận.
Hàng nhãn riêng Co.opmart bán tại 1 siêu thị thuộc hệ thống FairPrice ở Singapore. Ảnh: Minh Nhi
Bên cạnh hơn 600 mặt hàng đã được đưa vào hệ thống siêu thị của Singapore, trong năm 2018, Tập đoàn NTUC FairPrice đã đưa hơn 20 mặt hàng mới của Việt Nam vào hệ thống bán lẻ, trong đó có những mặt hàng mang tính đột phá như tôm organic, cá organic, sữa organic, bánh tráng organic, phở organic, bún organic. Đặc biệt, 3 loại trái cây của Việt Nam là hồng xiêm, bưởi Năm Roi, thanh long ruột đỏ đã được giới thiệu đến người tiêu dùng, góp phần quảng bá trái cây Việt Nam đến những thị trường có yêu cầu cao như Singapore.
Cần nỗ lực nhiều hơn
Theo ông Nguyễn Anh Đức, người tiêu dùng Singapore đặc biệt thích những mặt hàng nông sản tươi và thực phẩm đã thông qua chế biến của Việt Nam như cà phê, hạt điều… Người Singapore đang chuyển đổi thị hiếu từ khoai tây sang khoai lang nên Saigon Co.op đẩy mạnh xuất khẩu khoai lang sang Singapore qua hệ thống FairPrice. Ngoài ra, xoài, thanh long của Việt Nam cũng được ưa chuộng, bổ sung vào rổ hàng hóa của người dân Singapore bên cạnh các sản phẩm cùng chủng loại của các nước trong khu vực. Ông Đức cho biết thêm: "Giá cả hàng hóa từ Việt Nam rất cạnh tranh so với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực bán tại Singapore do khối ASEAN có hiệp định mậu dịch tự do. Tuy nhiên, chúng ta gặp sự cạnh tranh lớn từ nội khối, đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cải tiến chất lượng, cắt giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh".
Cũng theo ông Đức, trước đây hàng Việt Nam có khoảng cách lớn so với hàng hóa của các nước trong khu vực nhưng hiện nay khoảng cách này đang thu hẹp dần, thậm chí có những mặt hàng riêng biệt của Việt Nam đã tạo nên sự khác biệt. Mặc dù vậy, nhà sản xuất Việt vẫn còn nhiều việc phải làm để xây dựng và khẳng định thương hiệu hàng Việt trên thị trường thế giới. "Hàng Việt Nam xét riêng từng sản phẩm thì rất tốt nhưng chưa đủ để đi ra nước ngoài bởi nhà mua hàng ngoại quốc đòi hỏi sự chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, trọng lượng, quy cách… Về hình thức mẫu mã thì các thương hiệu Việt cần phải nghiên cứu đầu tư thêm" - ông Đức nhìn nhận.
Các hiệp định kinh tế đa phương, song phương tạo sức bật lớn cho hàng hóa Việt Nam đi ra thị trường thế giới. Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến thương mại tại từng thị trường có vai trò rất quan trọng vì bản thân họ có dữ liệu, thông tin và am hiểu thị trường nên sẽ giúp DN Việt Nam nhiều hơn. Một yếu tố quan trọng không kém là cần bàn tay quy hoạch tổng thể. "Chính phủ, Bộ Công Thương cần có quy hoạch thị trường, định hướng cho DN và có sự phân công hóa cho các thực thể khác nhau để tham gia các thị trường" - ông Đức nói.
Mở rộng phân phối hàng Việt tại nước ngoài Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định với sự hỗ trợ về công nghệ và kinh nghiệm của các đối tác Singapore, hàng Việt Nam sẽ ngày càng được mở rộng phân phối tại thị trường Singapore. Song song đó là sự mở rộng hợp tác giữa các cộng đồng DN Việt Nam - Singapore. Sự hợp tác này không chỉ dừng ở tuần lễ này mà sẽ còn mở rộng ra các lĩnh vực khác trong thời gian tới và là cơ sở để hàng Việt từ Singapore phân phối đi khắp thế giới. |
Hợp tác phát triển hàng nhãn riêng FairPrice Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Saigon Co.op, cho hay Saigon Co.op không chỉ là nhà bán lẻ mà còn là nhà xuất khẩu và định hướng sản xuất: xuất khẩu những mặt hàng có sẵn và định hướng nhà sản xuất cung cấp các mặt hàng mà thị trường Singapore cần. Từ một năm nay, Saigon Co.op đã phối hợp với FairPrice phát triển một số mặt hàng nhãn riêng thương hiệu FairPrice cho thị trường Singapore và cả Việt Nam. |
Lần đầu tiên, một tuần lễ hàng hóa quốc gia được tổ chức có quy mô và thời gian kỷ lục. Nhật báo The New Paper, có lượng ấn bản lên tới 300.000 tờ/ngày, đã dành 2 trang để quảng bá cho 40 mặt hàng của Việt Nam được khuyến mãi đặc biệt nhân dịp này trong số ra ngày 12-11. |
Minh Nhi (Người lao động)