Vượt lên những định kiến về mô hình hợp tác xã lạc hậu, manh mún, kể từ khi Luật Hợp tác xã 2012 đi vào thực tiễn, nhiều mô hình mới với cách làm hay đã “lột xác” để phát triển. Nhờ vậy, các sản phẩm của hợp tác xã đã đến gần hơn với người tiêu dùng cả nước, thậm chí còn xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các hợp tác xã cần liên kết chặt hơn với hệ thống phân phối, cơ quan xúc tiến thương mại nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm và khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Mạnh dạn đổi mới
Mô hình trồng rau sạch của Sunfood Đà Lạt. Ảnh: sunfooddalat.com
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhận định: Với thói quen xưa cũ “cha chung không ai khóc”, không ít hợp tác xã đã thực sự bế tắc trong đường hướng dẫn đến sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, bị thị trường đào thải và gây ảnh hưởng đến đời sống của chính các thành viên trong hợp tác xã.
Tuy nhiên, bên cạnh gam màu tối, khu vực kinh tế tập thể vẫn nổi lên những hợp tác xã nhanh nhạy đổi mới, dám mạnh dạn đầu tư vào sản xuất kinh doanh và bước đầu xây dựng liên kết chuỗi, tạo sức bật cho sản phẩm vươn xa.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng đưa ra minh chứng cụ thể, liên tiếp trong 3 năm gần đây, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh trứng Artemia (Bạc Liêu) đều đạt doanh thu trên dưới 40 tỷ đồng/năm.
Không những thế, sản phẩm của hợp tác xã còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác trên thế giới với giá trị từ 500.000 – 800.000 USD. Chính vì vậy, thời gian này hợp tác xã đang mở rộng ngành nghề sang nuôi tôm công nghệ cao.
Đại diện cho mô hình hợp tác xã kiểu mới, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt cho biết, Sunfood Đà Lạt hiện đã hội tụ đủ các nhóm rau thủy canh, rau củ baby, đặc sản Đà Lạt, trái cây và hoa Đà Lạt với hơn 220 sản phẩm khác nhau. Tất cả các sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, Sunfood Đà Lạt đã liên kết với 22 hợp tác xã trên 20 tỉnh, thành phố, 4 công ty, 8 siêu thị, 131 cửa hàng tại 25 tỉnh, thành phố để cung ứng sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, tới đây Sunfood Đà Lạt sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ tại 35 tỉnh, thành phố; tập trung xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc và một số thị trường lân cận.
Bên cạnh đó, hợp tác xã còn xây dựng siêu thị Liên hiệp Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt tại Lâm Đồng, 10 điểm bán nhượng quyền Sunfood Đà Lạt CO.OP và mở thêm kho sơ chế đạt chuẩn, quy hoạch khu sản xuất tập trung thêm 10 ha.
Thống kê từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, tính đến thời điểm này đã có gần 24.000 hợp tác xã; trong đó, hơn 50% là hợp tác xã nông nghiệp và phát triển đều khắp trên cả nước.
Đặc biệt, hầu hết các hợp tác xã đều tham gia rất tốt vào liên kết chuỗi giá trị, hàng hóa đã được bày bán đa dạng hơn tại nhiều quầy kệ trong siêu thị, trung tâm thương mại và thậm chí xuất khẩu.
Tiên phong trong việc xem hàng nông sản, nhất là nông sản nội địa là một mắt xích rất quan trọng trong hệ thống phân phối trong suốt hơn 30 năm hoạt động, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã luôn nỗ lực trong việc kết nối, hỗ trợ đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng bảo đảm an toàn chất lượng và giá cả phù hợp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, việc tiếp nhận các sản phẩm nông sản nội địa vào hệ thống siêu thị từ người sản xuất hay thông qua các doanh nghiệp cung cấp cũng rất hạn chế.
Nguyên nhân là do chất lượng sản phẩm chưa đạt theo yêu cầu quản lý chất lượng của Việt Nam, chứ chưa nói tới các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế khác của các nước phát triển.
Hơn nữa, nông sản Việt Nam hiện nay mới chỉ sản xuất theo quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, hợp tác xã; chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, cơ sở chưa đạt chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sản xuất và kinh doanh, hoặc chưa sẵn sàng các thủ tục pháp nhân để giao dịch mua bán.
Hơn nữa, nông sản thường bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ, thời tiết, hạn chế vận chuyển xa nên chủ yếu là tiêu thụ tại địa phương, thị trường hạn hẹp.
Đáng buồn hơn là các hợp tác xã chưa chủ động và không có kế hoạch cụ thể nên thường sản xuất đại trà, tập trung tại một thời điểm khiến nguồn cung vượt nhu cầu dẫn đến dư thừa.
Nâng chất cho sản phẩm
Sơ chế thanh long tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường (TP Mỹ Tho, Tiền Giang). Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Theo nhận định từ các chuyên gia, việc thiếu tiêu chuẩn theo quy định không chỉ khiến nông sản gặp khó khăn ở trong nước mà ở cả thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ có nông dân không thể tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn mà cần sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất là giải pháp không thể thiếu bởi muốn có một khối lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều, đạt tiêu chuẩn thì việc phát triển các chuỗi liên kết là xu hướng tất yếu.
Do đó, không còn cách nào khác là hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ mới có thể giải được bài toán về sản phẩm xuất khẩu, kiểm soát an toàn thực phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội cho biết, trong quá trình tư vấn, hỗ trợ phát triển hợp tác xã thành viên, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội đã đồng hành và tư vấn giúp gần 50 mô hình hợp tác xã tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh gắn với chuỗi.
Mặt khác, Liên minh Hợp tác xã thành phố Hà Nội còn tích cực triển khai xúc tiến thương mại các chương trình kết nối cung cầu cho các hợp tác xã và đã đạt một số kết quả khả quan. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của các hợp tác xã thành viên nói riêng và khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn Hà Nội nói chung.
Theo ông Nguyễn Anh Đức, bằng nhiều hình thức truyền thông, xúc tiến thương mại đóng vai trò rất lớn trong quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông sản Việt ra thị trường quốc tế.
Bởi khi chất lượng sản phẩm đã đạt được các tiêu chuẩn xuất khẩu, Việt Nam cần có chiến lược phát triển cân đối nguồn cung để mở rộng thị trường và phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Cổng thông tin điện tử thương mại và đầu tư ITPC cho biết, ITPC đang đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng tại nhiều quốc gia, thị trường khác nhau qua kênh phân phối hiện đại.
Tuy nhiên, để hàng Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Uyên Hương (TTXVN)