Kinh tế

Giá cả thị trường

Hàng Việt về nông thôn, miền núi Gia Lai Kết quả chưa như kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi nhằm tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận hàng hóa sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý; đồng thời giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chương trình này vẫn còn nhiều khó khăn, kết quả chưa đạt như kỳ vọng.
Thị trường tiềm năng
Siêu thị Co.op Mart Pleiku là đơn vị gắn bó với chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi từ ngày đầu tổ chức. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị-cho hay, bình quân mỗi năm, Siêu thị tham gia khoảng 10 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) tổ chức hoặc đơn vị tự tổ chức. “Tham gia chương trình, ngoài việc bán các mặt hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, gia dụng của các thương hiệu trong nước, Siêu thị còn có những nhãn hàng riêng của Co.op Mart với giá cả hợp lý, giúp người tiêu dùng có thêm cơ hội mua sắm, lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt”-bà Thy cho biết.
Nhằm tạo điều kiện để người dân vùng sâu, vùng xa có cơ hội sử dụng hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý, mỗi năm, trên địa bàn tỉnh có 5-6 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi được tổ chức. Trong 10 năm (2009-2019), Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại đã tổ chức tổng cộng 56 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi tại các huyện của tỉnh và 4 phiên chợ đưa hàng Việt sang Campuchia. Mỗi phiên chợ có khoảng 20-24 doanh nghiệp tham gia với trên 40 gian hàng bày bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức được 4 phiên tại 4 huyện: Đức Cơ, Mang Yang, Ia Grai, Ia Pa; sắp tới sẽ tiếp tục tổ chức ở huyện Kông Chro và 1 xã trên địa bàn TP. Pleiku.
 Người dân chọn mua hàng trong chương trình đưa hàng Việt về miền núi tổ chức tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) tháng 10-2019. Ảnh: T.N
Người dân chọn mua hàng trong chương trình đưa hàng Việt về miền núi tổ chức tại xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) tháng 10-2019. Ảnh: T.N
Đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi được tổ chức ở địa phương, chị Nguyễn Thị Hằng (thôn Đức Hưng, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Khi đến những phiên chợ như thế này, tôi mới có cơ hội để tiếp cận hàng hóa đảm bảo chất lượng. Tại phiên chợ, hàng hóa của các doanh nghiệp đưa đến rất đa dạng, phong phú với nhiều mẫu mã bắt mắt, chất lượng rất tốt, giá cả lại hợp lý hơn so với các điểm bán lẻ. Những chuyến hàng như thế này đã giúp người dân vùng nông thôn thay đổi nhận thức về tiêu dùng hàng Việt”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thu-Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại-cho hay: “Trong 10 năm qua, Trung tâm đã xây dựng đề án tổ chức phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi để phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa. Chương trình này không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa doanh nghiệp và người dân khu vực nông thôn mà còn làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người tiêu dùng. Từ hoạt động này, người dân sống tại khu vực nông thôn có nhiều cơ hội tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Người dân đã biết phân biệt đâu là hàng nhập khẩu, đâu là hàng sản xuất trong nước, từ đó có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những mặt hàng được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường”.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Việc tham gia các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, có cơ hội tiếp cận thị trường nông thôn đầy tiềm năng. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được thị hiếu và sức tiêu dùng vùng nông thôn để có chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp hơn. Tuy nhiên, theo bà Thu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi vẫn chưa thực sự thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia bởi nhiều lý do như: chi phí tốn kém nhưng doanh số bán hàng đạt không cao, có những doanh nghiệp thậm chí bị lỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại chưa chủ động mở đại lý hoặc tìm hiểu, kết nối với các đại lý tại địa phương để ký gửi hàng hóa.
Mặt khác, khi tổ chức chương trình vào một số thời điểm trái mùa vụ thu hoạch, hàng nông sản mất giá nên sức mua của người dân địa phương kém, ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của doanh nghiệp. Trên thực tế, có những chuyến hàng đem đi có giá trị đến 600-700 triệu đồng nhưng doanh số bán hàng của doanh nghiệp chỉ đạt vài chục triệu đồng. Do hiệu quả không cao nên doanh nghiệp thiếu tích cực tham gia các chương trình do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến quy mô và chất lượng của chương trình.
“Một khó khăn khác là kinh phí của địa phương hỗ trợ để tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi còn thấp, chênh lệch lớn so với kinh phí Trung ương hỗ trợ nên quy mô tổ chức có nơi lớn, nơi lại nhỏ. Khi ít kinh phí, Trung tâm buộc phải cắt giảm nhiều thứ trong khâu tổ chức, từ công tác quảng bá cho doanh nghiệp đến dàn dựng gian hàng và các chương trình đi kèm nên chương trình chưa thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm. Nếu không nâng mức kinh phí hỗ trợ của địa phương lên thì khó mà đạt kết quả như kỳ vọng”-bà Thu nêu ý kiến.
 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm