Bà Phan Thị Hợp (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) cho biết: Gia đình bà có 3 thế hệ chung sống với 6 thành viên. Để có được cuộc sống hòa thuận trong gia đình 3 thế hệ thật không dễ dàng, bởi mỗi thế hệ có khoảng cách tuổi tác khác nhau.
Để dung hòa, bà dạy bảo các con đoàn kết, hài hòa, giúp đỡ lẫn nhau cùng vươn lên trong cuộc sống. Trong mỗi lời nói, ứng xử giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày đều phải lưu ý nhìn trước, nhìn sau, tôn kính người già, yêu quý trẻ nhỏ để các mối quan hệ tốt nhất. Các thành viên trong gia đình thường xuyên trao đổi, chia sẻ, cùng hướng đến quan điểm người lớn tuổi thì cố gắng tiếp cận với những thông tin mới, nắm bắt cuộc sống của giới trẻ ngày nay để cảm thông, bỏ qua. Còn những người trẻ phải luôn kính trọng, quan tâm tới ông bà, cha mẹ, không áp đặt vào lối tư duy đã gắn kết bao năm của người già.
“Với sự cởi mở đó, gia đình tôi khắc phục những khó khăn, phức tạp trong cuộc sống hàng ngày, dung hòa giữa tư duy cũ-mới, xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc và mọi thành viên đều hài lòng với cuộc sống đang có”-bà Hợp chia sẻ.
Tương tự, ông Rơ Châm Toàn (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có với nhau 5 mặt con. Hiện tại, 4 cháu đã xây dựng gia đình và đều có công việc ổn định. Con cái ngoan ngoãn, chịu khó học tập. Đây là thành công lớn nhất đối với vợ chồng chúng tôi khi cả đời vất vả để nuôi dạy con cái nên người; vợ chồng hòa thuận sống bên nhau hạnh phúc”.
Nói về kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, ông Toàn cho rằng: Trong gia đình, mỗi người một tính cách, có quan điểm và suy nghĩ khác nhau nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Để chung sống hòa thuận dưới một mái nhà, trước hết, ông bà, cha mẹ phải có tâm, có đức để giáo dục con cháu sống có trên có dưới, hòa thuận, đầm ấm. Luôn nhắc nhở con cháu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, ra đường kính trên nhường dưới, đi về phải chào hỏi, lễ phép với ông bà, cha mẹ; giáo dục các cháu từ tuổi nhỏ giữ gìn truyền thống, nếp sống gia đình.
Năm 2020, gia đình ông Toàn được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình (BLGĐ) giai đoạn 2015-2020.
Gia đình bà Phan Thị Hợp (tổ 5, phường Trà Bá, TP. Pleiku) có 3 thế hệ sống chung dưới 1 mái nhà. Ảnh: Đinh Yến |
Trao đổi cùng P.V, ông Ngô Tuyến-Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho hay: Hạnh phúc nói chung và hạnh phúc gia đình nói riêng là khái niệm tồn tại và phát triển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự gắn bó các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau. Mối quan hệ trong gia đình lại có nền tảng từ sự ứng xử giữa các thành viên. Đặc biệt là mối quan hệ cơ bản của vợ chồng, cha mẹ, ông bà, con cháu và anh, chị, em. Mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa các thành viên là điều kiện đảm bảo để gia đình vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.
Thời gian qua, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3) hàng năm. Đồng thời, tham mưu Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh ban hành các kế hoạch và triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Năm 2022, Sở tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Gia đình và phòng-chống BLGĐ” thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 3 giải nhì, 5 giải ba và 15 giải khuyến khích cho các cá nhân.
Ngoài ra, ngành Văn hóa còn phối hợp với lực lượng Công an kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi liên quan đến BLGĐ; bảo vệ quyền và lợi ích của người bị xâm hại; giáo dục, xử lý người có hành vi BLGĐ. Các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 1.357 “địa chỉ tin cậy”. Sở phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh “Khoảnh khắc gia đình hạnh phúc” tới các cấp hội phụ nữ trong tỉnh và thu được nhiều kết quả tốt đẹp.
“Ngày Quốc tế Hạnh phúc có ý nghĩa thiết thực và cao đẹp. Với thông điệp “Hạnh phúc cho mọi người”, mỗi người hãy cùng chung tay kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhân ái, hiếu nghĩa của dân tộc Việt Nam, giữ gìn nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, xã hội phồn vinh. Phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động sáng tạo, ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và mỗi gia đình để lan tỏa hạnh phúc tới tất cả mọi người”-ông Tuyến nhấn mạnh.