TN - Đất & Người

Hạnh phúc mỉm cười với cặp vợ chồng khiếm thị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai anh chị cùng chung cảnh ngộ khiếm thị nhưng mang trong mình ý chí và nghị lực phi thường. Sau 6 năm tìm hiểu, hai mảnh đời bất hạnh ấy nguyện gắn đời mình vào nhau, cùng vẽ lên câu chuyện tình đẹp như cổ tích.

 

Gia đình anh Trực quây quần bên nhau sau bữa cơm tối.
Gia đình anh Trực quây quần bên nhau sau bữa cơm tối.



Hạnh phúc được viết lên từ bất hạnh

Đó là câu chuyện cảm động của hai vợ chồng anh Nguyễn Trung Trực (52 tuổi) và chị Phùng Ngọc Linh (43 tuổi; ngụ đường Lữ Gia, phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Anh Trực sinh ra và lớn lên ở làng quê nghèo huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Cuộc đời anh bất hạnh từ năm 24 tuổi, trong một lần đào giếng không may chiếc cốc ở độ cao gần 1 mét rớt xuống trúng đầu, bị ảnh hưởng thần kinh mắt, và đôi mắt anh không còn nhìn thấy từ đó.

Trong khoảng thời gian này, anh Trực đã đăng lý tham gia học lớp chữ nổi cùng những bạn bè hoàn cảnh giống mình, Tại đây, anh hiểu hơn, chấp nhận nghịch cảnh, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Sau khi Hội người mù tỉnh Lâm Đồng thành lập, năm 2004, anh Trực được chuyển về và quen biết chị Ngọc Linh.

Chị thì bị khiếm thị từ khi lên 2 tuổi. Chính vì đồng cảnh ngộ mà hai anh chị dễ dàng thấu hiểu, cảm thông cho hoàn cảnh của nhau. Khi chúng tôi hỏi về cơ duyên anh chị quen biết nhau, anh Trực mỉm cười nhớ lại, qua lần Đại hội người mù tỉnh Lâm Đồng, anh chị gặp nhau, thấy hợp nhau dần dần nói chuyện và quan tâm nhau nhiều hơn. “Qua 6 năm tìm hiểu nhau, khi chúng tôi tính đến chuyện kết hôn thì bị hai bên gia đình phản đối kịch liệt vì sợ phải thêm gánh nặng”. Nhưng rồi, với tình yêu chân thành, tha thiết, anh chị cũng thuyết phục được gia đình đồng ý. Họ đã tổ chức đám cưới trong niềm vui vô bờ bến.

Niềm tự hào về đứa con

Bởi gia đình hai bên nội ngoại kinh tế khó khăn nên không thể giúp gì được vợ chồng anh Trực, anh chị tự phải lo liệu tất cả, được cái vợ chồng đều chung cảnh khiếm thị nguyện nương tựa vào nhau xây đắp mái ấm.

Chúng tôi gặp và trò chuyện với anh Trực ngay tại nơi anh làm việc. Anh cho biết, anh đã dạy chữ nổi ở Hội người mù Lâm Đồng này được 14 năm, dạy từ thứ 2 đến thứ 6, phương tiện anh đi đến bằng xe ôm, tiền phụ cấp hàng tháng anh nhận được chỉ đủ để trả tiền chi phí đi lại.

Để phụ chồng lo cho cuộc sống gia đình, chị Linh hàng ngày vẫn rong ruổi các con đường ở Đà Lạt bán vé số, thu nhập chỉ khoảng 100 ngàn/ngày, không tránh khỏi thiếu trước hụt sau. Do không nhìn thấy nên chị Linh nhiều lần bị lừa gạt lấy vé số, hoặc trả tiền không đủ, gặp trường hợp như vậy coi như ngày đó chị Linh không có tiền công, thậm chí còn phải bù tiền để trả cho chủ quầy.

Anh Trực chia sẻ thêm, trong lần đi bán vé số, chủ nhân đã trúng và giúp đỡ vợ anh một số tiền để mua mảnh đất với diện tích 40m2 (đường Lữ Gia, phường 9, TP Đà Lạt), căn nhà được cất lên từ sự đóng góp của mạnh thường quân gần xa. Năm 2011, đứa con đầu lòng của anh chị được ra đời trước sự mừng vui của người thân trong gia đình. Nhắc đến đứa con, quả ngọt của cuộc hôn nhân, anh Nguyễn Trung Trực dường như không giấu được niềm vui trong ánh mắt. Con gái của anh chị tên Nguyễn Phùng Xuân Trúc, năm nay 7 tuổi, đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn TP. Xuân Trúc được nhận xét rất ngoan, hiền, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Đây là niềm tự hào lớn nhất của hai anh chị, là động lực để anh chị vững bước mỗi ngày.

"Ai cũng nghĩ vợ chồng tôi đều không thấy đường nên việc chăm con gặp nhiều khó khăn. Ngày Trúc còn nhỏ, mỗi lần đưa muỗng cơm ra phía trước, Trúc lại tự ngoái cổ lên để ăn nên vợ chồng tôi cũng đỡ vất vả. Trúc cứ từ từ lớn lên như vậy giống như người ta nói là con trời nuôi"-anh Trực tâm sự.

Xuân Trúc có đôi mắt sáng long lanh, khỏe mạnh, những ngày nghỉ cuối tuần hoặc thời gian rảnh bố mẹ muốn đi đâu thì Trúc sẽ dắt đi, ngay cả việc đi đổ rác hoặc đi mua thức ăn. Ngoài ra, Trúc còn phụ giúp anh chị quét nhà, rửa chén... Theo anh Trực, ngày trước Trúc còn nhỏ nên mỗi lần muốn biết những nội dung trong giấy tờ thì vợ chồng anh phải nhờ đến hàng xóm đọc, nhưng bây giờ Trúc đã là đôi mắt của gia đình.

Vừa bước tới cửa, thấy chúng tôi trong nhà, Xuân Trúc đã nhanh nhẹn cúi đầu chào và liền xắn tay áo vào giúp mẹ quét nhà, rửa rau, chuẩn bị cho bữa ăn tối. Căn nhà rộn rã tiếng cười hạnh phúc.

Phú Sơn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm