(GLO)- Hai cháu Nguyễn Quốc Tĩnh (làng Mook Trêl) và Lê Đại Vỹ (làng Mook Đen 2, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) đều là trẻ mồ côi. Vỹ đang học lớp 5 Trường Tiểu học Trần Phú, còn Tĩnh học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Trãi. Cả 2 đều được những người lính "quân hàm xanh" cưu mang, trở thành con nuôi của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Những đứa trẻ mồ côi
Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Quyền-bà nội của em Lê Đại Vỹ khi mặt trời gần đứng bóng. Nắng miền biên viễn khiến lớp nhựa mặt đường như loang chảy. Mắc chiếc võng dưới gốc cây mận trước nhà, bà Quyền cùng đứa cháu ngoại đang nằm hóng gió. Vừa thấy chúng tôi, bà vội vào nhà lấy ra vài chiếc ghế nhựa mời khách.
Từ khi cháu nội được nhận làm con nuôi, bà Lê Thị Quyền đã vơi bớt lo âu. Ảnh: Phương Dung |
Bà Quyền có 3 người con và 2 đứa cháu: 1 cháu nội, 1 cháu ngoại. Cả 2 cháu đều do một tay bà nuôi dưỡng, chăm sóc từ khi mới lọt lòng. Bố của Vỹ qua đời khi cháu chưa tròn tuổi. Không lâu sau, mẹ của Vỹ rời nhà đi biệt tăm.
Cô con gái thứ 2 là Lê Thị Hạnh lấy chồng không bao lâu cũng ôm con gái về nhà. 4 con người, già trẻ, lớn bé sống lắt lay qua ngày vì không có nguồn thu nhập ổn định. Dù không nỡ xa con gái nhỏ nhưng vì cuộc mưu sinh, chị Hạnh gửi lại con cho mẹ rồi sang Đak Lak phụ bán quán cơm, kiếm thêm thu nhập.
Ngày nghỉ cuối tuần, em Lê Đại Vỹ về nhà thăm bà, phụ bà hái rau, nấu cơm. Ảnh: Phương Dung |
Nhắc đến Vỹ, bà Quyền trải lòng: “Nhiều đêm nghĩ đến cháu, tôi lại nuốt nước mắt vào trong. Cô, chú của cháu đều khó khăn, con cái còn chật vật làm sao lo được cho cháu”. Và rồi, nỗi lo của bà Quyền được xua tan, hy vọng được thắp sáng khi Vỹ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhận làm con nuôi. Ngày dẫn cháu lên đơn vị, bà đã khóc. “Tôi không còn phải lo lắng. Gửi cháu cho các chú bộ đội tôi vô cùng yên tâm”-bà Quyền chia sẻ.
Rời làng Mook Đen 2, chúng tôi ghé làng Mook Trêl thăm gia đình em Nguyễn Quốc Tĩnh. Bà Lê Thị Lan-bà nội của Tĩnh và anh trai-Nguyễn Quốc Lên như hiểu được suy nghĩ của chúng tôi, bà Lan lên tiếng: “Năm ngoái, các Mạnh Thường Quân hỗ trợ tiền để xây lại ngôi nhà”.
Hai anh em Tĩnh mồ côi mẹ năm 2014 và mất cha trong một vụ tai nạn giao thông vào cuối năm 2019. Nhắc lại chuyện cũ, giọng bà Lan chùng xuống: “Mẹ tụi nhỏ trong một lần mâu thuẫn với chồng nghĩ quẩn nên tự tử”. Rồi khi bố mất, 2 anh em mất hết nơi bấu víu. Thay vì tiếp tục đèn sách, sau khi hoàn thành xong chương trình THPT, Lên đã nghỉ học để ở nhà chăm sóc em.
Nhắc đến chuyện em trai được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhận nuôi, Lên cho hay: “Mới đầu, em không muốn. Vì em nghĩ, bố mẹ mất rồi, nhà chỉ còn 2 anh em phải nương tựa lẫn nhau. Nhưng nếu cứ giữ Tĩnh cạnh bên mà không lo lắng được thì cũng tội”.
Ngồi cạnh bên, bà Lan góp lời: “Thương các cháu nhưng vợ chồng già nên chẳng giúp được gì nhiều. Chỉ biết qua lại mỗi ngày nhắc nhở các cháu. Các cháu đang tuổi ăn, tuổi lớn, có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, cảm xúc. Sau thời gian ở cùng các chú bộ đội, cháu về nhà khoe trên đó các chú thương, quan tâm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, sướng hơn ở nhà”.
Hạnh phúc vì có anh, có em
Từ khi có thêm 2 con nuôi, cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh cũng bận rộn hơn. Ngoài những công việc thường nhật, các anh còn dành thời gian quan tâm, chăm sóc các cháu.
Trung úy Rơ Châm Tuyn hướng dẫn cháu Nguyễn Quốc Tĩnh học bài. Ảnh: Phương Dung |
Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận nuôi 12 cháu có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới. |
Nhờ sự yêu thương, chăm sóc tận tình, 2 đứa trẻ nhanh chóng quen với cuộc sống mới. Vỹ trải lòng: “Khi con bị sốt, các chú thay nhau chăm sóc, hỏi han”. Vỹ được Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhận nuôi vào tháng 8-2019.
Tháng 9-2020, đơn vị nhận thêm Tĩnh. Hai em được đơn vị bố trí ở cùng nhau trong gian phòng rộng rãi. Mỗi em đều có giường ngủ, bàn học, tủ quần áo và 1 chiếc xe đạp. “Từ khi có anh Tĩnh ở cùng, cháu vui lắm. Hai anh em làm gì cũng làm cùng nhau. Cũng có lúc cãi nhau nhưng không giận nhau lâu”-Vỹ vui vẻ nói.
Sau 6 tháng làm “con nuôi đồn Biên phòng”, Tĩnh thích nghi với giờ giấc, nền nếp của đơn vị. Sáng nào em cũng thức dậy thật sớm để cùng tập thể dục, chiều đến thì tham gia đánh bóng chuyền. Tĩnh bày tỏ: “Khi bố mất, cháu rất lo sợ. Cuộc sống ở đây thật tốt. Cháu chỉ việc đi học, học cho tốt, về nhà đã có các chú chờ cơm, mọi khó khăn đều được các chú chia sẻ”.
Nhờ sự yêu thương, đùm bọc, chỉ dạy của người lính Biên phòng, các em càng thêm yêu thương, thân thiết. “Cuối tuần, cháu về nhà phụ anh trai nhặt hạt điều, còn Vỹ thì về thăm bà nội. Ở với nhau quen rồi, làm gì cũng cùng nhau nên cuối tuần về nhà cũng thấy nhớ nhau”-Tĩnh nói.
Trung úy Rơ Châm Tuyn-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-chia sẻ: “Anh em ở Đội Công tác địa bàn luôn quan tâm, chăm lo các cháu. Các cháu đang tuổi lớn, tuổi nghịch nên cũng cần hướng dẫn, nhắc nhở thường xuyên. Đơn vị cũng thường xuyên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm việc học của từng cháu để có hướng giúp đỡ, điều chỉnh. Rất mừng là các cháu đều ngoan, biết nghe lời và lực học đều tốt”.
Điều đặc biệt và có lẽ cũng không phải ngẫu nhiên khi cả hai đều có cùng mơ ước trở thành chiến sĩ Biên phòng để tiếp bước các cha nuôi bảo vệ biên cương Tổ quốc.
PHƯƠNG DUNG