Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Hãy bảo vệ tâm hồn trong trắng của trẻ thơ !

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tâm hồn trong sáng của trẻ sẽ bị bôi bẩn bởi những hình ảnh phản cảm như vậy. Chúng rất dễ khiến các em có những cái nhìn, suy nghĩ, hành động, lối sống lệch lạc”-đó là lời phát biểu đầy bức xúc của chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Ngọc Ánh sau khi một đoạn clip diễn tả 4 vũ công múa sexy tại Công viên nước Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh), trước hàng trăm con mắt của du khách, trong đó có nhiều trẻ em.

“Sốc”, “phản cảm”, “dung tục”, “đầu độc trẻ em”… là những từ ngữ mà nhiều bậc phụ huynh, các nhà hoạt động xã hội và cộng đồng mạng đã chia sẻ trên mạng xã hội và trên báo chí mấy ngày qua, sau khi hình ảnh những cô gái mặc bikini uốn éo, bò trườn trên sân khấu nhạc nước của Công viên nước Đầm Sen chiều 4-6 lan truyền trên mạng. Đặc biệt, hành vi nói trên lại diễn ra trong Tháng Hành động vì trẻ em năm 2017.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Được bố mẹ thưởng cho một chuyến đi chơi công viên, lại là công viên nổi tiếng như Đầm Sen, thử hỏi có bạn nhỏ nào mà không thích. Thế nhưng, có lẽ những cô cậu học sinh giỏi cũng không ngờ món quà mà bố mẹ tặng lại là một màn múa sexy giữa thanh thiên bạch nhật như vậy. Nhìn các cô gái mặc bikini thể hiện những động tác uốn éo, lắc lư, bò trườn… hết sức dung tục, đến người lớn cũng phải đỏ mặt. Thế mà nó lại được phơi bày ở một sân khấu lộ thiên và là điểm vui chơi chủ yếu dành cho thiếu niên, nhi đồng. Một số khán giả chưng hửng, vội dắt con đi nơi khác trong khi số còn lại tiếp tục reo hò, cổ vũ. Không biết có phải do quá phấn khích từ phần biểu diễn trước đó của các vũ công, cộng thêm âm nhạc sôi động, mà một khách nữ đã cao hứng tuột luôn phần áo của bộ bikini đang mặc trên người và nhảy nhót theo tiếng nhạc của sân khấu, cực kỳ phản cảm.  

Không cần phân tích nhiều, chỉ cần đọc những dòng comment của cộng đồng mạng, ý kiến của phụ huynh, các chuyên gia tâm lý được các báo đăng tải cũng đủ thấy những tác hại không hề nhỏ từ một tiết mục được biểu diễn ở một nơi gọi là “công viên văn hóa” nhưng lại không văn hóa một tí nào như vậy.

Điều đáng trách nữa là hành động của các bậc phụ huynh cũng khiến nhiều người khó hiểu. Thay vì đưa con mình đến khu vực vui chơi khác thì đám đông khán giả vẫn cố nán lại để xem, một số thanh niên còn cổ vũ nhiệt tình, nhún nhảy theo các cô gái này, khiến không ít người lo ngại tâm hồn các em nhỏ đã bị bôi bẩn vì những trò mua vui kiểu khoe xác thịt công khai đầy phản cảm này.

Cho dù là đơn vị tổ chức đã thừa nhận sai phạm, đã xin lỗi khán giả và nay mai sẽ chịu một hình thức xử lý nào đấy, nhưng sự việc này cũng cho thấy phần nào thực trạng loạn các chương trình giải trí rẻ tiền, dung tục hiện nay, do một số công ty truyền thông tư nhân, các đơn vị tổ chức sự kiện chuyên bao thầu tổ chức lễ hội, liên hoan, hội chợ các kiểu thực hiện, mà phần lớn những chương trình giải trí là thuê lại của các bầu sô.

Mà bây giờ, hội chợ các loại lại nhiều vô kể. Xuân thu nhị kỳ, đến hẹn lại lên. Các công viên, nhà triển lãm lại sặc sỡ phông màn, lều bạt, sân khấu. Nào là hội chợ thời trang Xuân Hè, hội chợ thời trang Thu Đông, thiếu nhi và quà tặng, Hội chợ nông sản, đặc sản vùng miền, triển lãm thành tựu kinh tế-xã hội, các tuần văn hóa địa phương, vùng miền… mà hội chợ, triển lãm nào cũng không thể thiếu phần văn hóa văn nghệ hàng đêm với các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, tạp kỹ… để cho sự kiện thêm xôm tụ, thu hút nhiều khán giả đến tham quan mua sắm, vui chơi… Chỉ có điều là nhiều chương trình kiểu này lại chưa được các nhà quản lý kiểm soát chặt chẽ về nội dung và hình thức biểu diễn, nhất là các hội chợ, lô tô…do các đoàn nghệ thuật của giới pê đê biểu diễn.

Giải trí là nhu cầu có thật và bình thường của con người. Tùy đối tượng khán giả, tùy theo phong tục tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, ngành kinh doanh du lịch, giải trí có những cách hoạt động khác nhau. Thế nhưng, dù có táo bạo đến đâu, cơ quan quản lý cũng có những quy định cụ thể. Ngay như Thái Lan, quốc gia phát triển mạnh về du lịch sex với hình ảnh những “phố đèn đỏ” ở Pataya hay Bangkok… người ta cũng có những quy định nghiêm ngặt về đối tượng, lứa tuổi tham gia. Ở các nước phương Tây, lứa tuổi nào được xem phim gì, khung giờ phim nào cấm trẻ em… đều được người ta chấp hành nghiêm ngặt.

Nói như vậy để thấy rằng, nếu những màn múa sexy và những chương trình giải trí phản cảm như show diễn chiều 4-6 ở Công viên nước Đầm Sen (TP. Hồ Chí Minh) không bị xử lý, ngăn chặn thì về lâu về dài, sẽ gây nên những tác hại khó lường đối với việc hình thành nhân cách, thẩm mỹ của trẻ em.

Tuổi mới lớn, các em luôn tò mò, thích thử nghiệm, thích những cái mới, nên khi xem những hình ảnh đó các em sẽ dễ làm theo để khẳng định mình, mà chưa phân biệt được tốt, xấu, lâu dần sẽ dễ khiến các em có suy nghĩ, hành động và lối sống lệch lạc.

Đừng để sự việc bị đẩy đi quá xa. Vì như vậy, càng thôi thúc trẻ tò mò, muốn xem, muốn biết, muốn tìm hiểu bản thân... Khi đó, chúng ta lại là những người nối dài cánh tay cùng những sai lầm, gieo vào đầu con trẻ những nhận thức sai lệch về các giá trị văn hóa, thẩm mỹ, đạo đức.  

Trách nhiệm trước hết là của các cơ quan quản lý văn hóa. Nhưng người lớn, đặc biệt là cha mẹ các em cũng cần biết cái gì nên làm, cái gì con em mình nên xem, để các chương trình giải trí thực sự là dịp giúp con trẻ bồi bổ tinh thần, rèn luyện nhân cách làm người.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm