Bạn đọc

Hãy thôi “Không say không về”!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Dù nhịp sống ngày thường đã trở lại nhưng dư âm Tết vẫn còn “bảng lảng” nhiều nơi, trong đó có việc một số người vẫn sa đà nâng ly chúc tụng “không say không về”.

Do thành lệ, ngày Tết ngoài “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” không thể thiếu chút thức uống có cồn. Có nó, tâm trạng con người sẽ thêm hưng phấn, thậm chí tốt cho sức khỏe nếu sử dụng vừa phải. Theo Wikipedia, thức uống lên men có chủ đích đã xuất hiện khoảng 10.000 năm trước công nguyên. Sau nhiều nghiên cứu, nhà sử học và hóa sinh dinh dưỡng William J. Darby đưa ra nhận xét khá thú vị: những người sử dụng thức uống có cồn một cách chừng mực “đã bị lu mờ bởi những bản sao náo nhiệt hơn của chính họ”.

Do tác động của cồn nên lạm dụng rượu, bia đến mức không kiểm soát được năng lực hành vi là việc không hề được khuyến khích. Dù biết vậy nhưng thực trạng quá đà trong sử dụng rượu, bia dịp Tết vẫn còn là chuyện... dài kỳ, chưa có hồi kết. Theo thống kê, chỉ trong 7 ngày nghỉ Tết Quý Mão 2023, lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đã phạt hơn 7.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tăng gần… 600% so với Tết Nhâm Dần 2022. Còn trong đợt cao điểm bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết (từ ngày 15-11-2022 đến 5-2-2023) trên cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) đã xử phạt hơn 80.600 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 400 tỷ đồng. Đó là những con số khiến không ít người giật mình.

Trước đó, thông tin đưa ra tại hội nghị tập huấn về tác hại của thuốc lá, rượu bia, đồ uống có đường do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với tổ chức HealthBridge Canada tổ chức năm 2022 cũng làm dấy lên nhiều lo ngại. Việt Nam hiện xếp thứ 2 trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu bia/người. Nếu như năm 2005 mức tiêu thụ rượu bia bình quân/người trưởng thành quy đổi ra cồn nguyên chất chỉ là 3,8 lít/người thì năm 2018 con số này là 8,3 lít (cao hơn mức trung bình của thế giới 6,4 lít). Tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là giới trẻ. Tình trạng uống quá độ đang rất phổ biến ở người trưởng thành, dù rằng ai cũng biết rõ tác hại của rượu, bia. Hệ lụy là mỗi năm cả nước có hơn 40.000 ca tử vong do rượu, bia, kể cả các nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp như bệnh tật, ẩu đả, tai nạn giao thông…

Thêm chút men là thêm chút hào hứng, tạo khí thế sôi nổi, khiến câu chuyện ngày xuân thêm rôm rả, tình thân gắn kết, nhiều quan hệ mới được thiết lập. Nhưng ngoài chuyện một số người chủ động tiếp nhận bia, rượu ở mức độ vừa phải thì vẫn có những người quá đà, hoặc bị cố tình ép uống cạn 100%. Xét cho cùng, đây là sự lãng phí về tiền bạc, sức khỏe và thời gian. Không thể không nhắc đến những vụ ngộ độc rượu tập thể, những tai nạn đau lòng, có gia đình đổ vỡ vì bạo hành, thiếu cảm thông... Thậm chí, chỉ vì quá chén trong cuộc vui mà có người đã phải trả giá bằng mạng sống. Đừng để phải nói “giá mà…”, đừng để ma men đưa đường dẫn lối, đừng ép uống rượu, bia vô lối. Giới trẻ ngày nay có câu “Vui thôi, đừng vui quá” là vậy. Hãy để năm mới bắt đầu bằng sự an lành, hạnh phúc đúng như câu chúc cho người người, nhà nhà khi xuân về.

Có thể bạn quan tâm