Bạn đọc

Hè lại khổ với điệp khúc: học thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông thường, sau tổng kết năm học, ngoài các em học sinh chuẩn bị chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT, thi vào các trường chuyên nghiệp thì số còn lại được nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học hành, rèn luyện vất vả.

Năm học 2019-2020 có điểm đặc biệt mà chưa năm nào xảy ra, đó là dịch Covid-19 kéo dài đến mấy tháng trời, làm đảo lộn nhiều thứ. Ngành giáo dục, thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh ban đầu  thảy đều lúng túng, mãi sau này mới dần đi vào quỹ đạo khi áp dụng cách dạy học trực tuyến, qua truyền hình trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội. Sau khi nới lỏng, thầy cô và học sinh lại vất vả chạy đua thực hiện chương trình với nhiều thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của ngành và liên quan, cuối cùng năm học 2019-2020 cũng đã kết thúc. Thầy cô, học sinh, phụ huynh thảy đều nhẹ nhõm vì cuối cùng nhiệm vụ đã hoàn thành. Trên bình diện chung, không chỉ ngành Giáo dục mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Thủ tưởng Chính phủ đã phải quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: chống dịch gắn với khôi phục phát triển kinh tế-xã hội.

Dẫn ra điều ấy để vừa chia sẻ khó khăn với ngành Giáo dục vừa thấy thời gian hè có ý nghĩa và giá trị như thế nào với các em học sinh. Hôm trước tổng kết, hôm sau một số bạn của con tôi đã theo ông bà, cha mẹ, anh chị vù ra Đà Nẵng, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Đà Lạt… để vui chơi, tham quan. Nghĩ cũng đáng, vì sau một năm học hành, rèn luyện vất vả, các em hoàn toàn có quyền được hưởng những ngày hè sôi động, bổ ích, vui tươi, nạp thêm năng lượng trước khi bước vào năm học mới.

Tuy nhiên, nhiều em không có được may mắn đó, vì nhiều lý do: gia đình eo hẹp  tài chính, bận làm ăn, không có người quán xuyến... Chính xác là nghỉ hè chưa được một tuần, anh bạn tôi không khỏi ái ngại khi đứa con học lớp 8 của mình đã lại tiếp tục đi…học kèm! Lý do anh này đưa ra là: “Mấy đứa trong lớp học, con mình không thể không học. Nó sợ thua bạn bè”. Tôi mừng vì con anh ganh đua học tập, sợ thua chúng bạn. Nhưng có phải chỉ với lý do đó?!

Có thể lắm, vì dẫu không “huỵch toẹt” bản chất nhưng anh bạn thể hiện rõ thái độ  bực bội vì nghỉ hè chưa được bao lâu, con anh đã lại… học. Anh không kể chuyện tốn kém mà xót vì “Thằng bé ham học, nhưng thể trạng không được khỏe, càng cố càng sợ còi cọc, mất sức. Giá như thời gian nghỉ hè cháu được nghỉ ngơi, vui chơi thay vì vùi đầu “học kỳ 3” thì tốt biết bao”-anh bạn than thở. Sao không như tôi, cứ cho bọn nhỏ đi chơi thoải mái cái đã, học hành tính sau, sự học là chuyện cả đời chứ phải ngày một ngày hai gì đâu-tôi định cất tiếng nhưng kịp dừng lại…

Lâu nay việc quản lý dạy kèm, dạy thêm, dạy cua, dạy phụ đạo các loại, ngành Giáo dục cùng chính quyền các địa phương đều thực hiện quản lý theo chỉ đạo chung. Tuy nhiên trên thực tế, tâm lý “có cầu có cung”, chính sách quản lý mỗi nơi mỗi kiểu nên “vấn nạn” dạy thêm học thêm vô tội vạ chưa biết khi nào mới ngăn chặn. Trong khi tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và một số  địa phương cấm tiệt việc dạy cua dạy kèm trong thời gian nghỉ hè này thì TP. HCM chỉ cho phép vào giữa tháng 8.Với tỉnh Thanh Hóa trong thời gian nghỉ hè, trừ lớp 9 THCS, lớp 12 THPT, bổ túc, THPT tổ chức dạy thêm thực hiện theo hướng dẫn, còn lại tất cả các đơn vị trường học không được dạy thêm, học thêm dưới bất kỳ hình thức nào!

Một cô giáo là người quen, cho biết: Với cấp 1, Sở cấm tiệt việc dạy thêm, vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Còn giáo viên cấp 2, 3 có “giấy phép dạy thêm” thì vô tư “hành nghề”. Thời buổi “gạo châu củi quế”, ai cũng hùng hục tranh thủ làm giàu nên không ít giáo viên dẫu  chưa hội đủ điều kiện: chứng chỉ, phòng ốc, chương trình, nội dung giảng dạy… song bằng nhiều hình thức “luồn lách” “dạy chui”, bất chấp pháp luật, đạo đức người thầy!  

Là người từng dạy học và cũng là một phụ huynh, tôi hiểu xưa nay học sinh mong chờ như thế nào mỗi khi hè về. Hơn mọi lý do, hè là không phải học hành, sách vở, là để nghỉ ngơi. Nghĩ cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng chung quy sướng khổ, đói no ở đời đều do quan niệm của mỗi người mà ra. Và trên thực tế, hôm nay đã khác rất nhiều so với hôm qua, nhiều ngày đã qua. Trong quá nhiều bức xúc của ngành Giáo dục như chương trình quá tải mà mà chưa theo kịp xu thế chung, nội dung thiếu thiết thực, “canh cải” liên tục, đạo đức học đường xuống cấp…, thì tình trạng tràn lan dạy cua dạy kèm, đặc biệt trở thành điệp khúc mỗi khi hè đến có thể xem là vấn nạn xã hội không hơn không kém! 

THẤT SƠN
 

Có thể bạn quan tâm