Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Hé lộ lý do Mỹ ngăn Ukraine tấn công cơ sở dầu Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 9-4 cho rằng Ukraine nên theo đuổi các mục tiêu quân sự vì cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu của Nga có thể làm tăng giá dầu toàn cầu.

Kiev đã tiến hành một loạt cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga trong hai tháng qua, nhắm vào các nhà máy lọc dầu và cơ sở lưu trữ ở nhiều khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong phiên điều trần về ngân sách quân sự hằng năm, ông Austin cho rằng: "Những cuộc tấn công đó có thể gây ra tác động dây chuyền đến tình hình năng lượng toàn cầu. Ukraine sẽ có lợi hơn trong việc theo đuổi các mục tiêu chiến thuật và tác chiến vốn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột hiện tại".

Giá dầu toàn cầu đã đạt mức cao nhất trong 6 tháng nhưng Washington khẳng định điều này là do xung đột ở Trung Đông và các biện pháp trừng phạt cũng như việc áp giá trần đối với dầu xuất khẩu từ Nga đã có hiệu lực. Trong khi đó, Moscow lại báo cáo sản lượng dầu xuất khẩu năm 2023 cao hơn so với trước cuộc xung đột với Ukraine.

Theo đài RT, bình luận của ông Austin là sự xác nhận việc Mỹ đã yêu cầu Ukraine dừng các cuộc tấn công vào nhà máy lọc dầu. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước đây cho rằng phản ứng của Washington "không tích cực".

Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Kiev sẵn sàng thực hiện theo yêu cầu Washington về vấn đề này. Đầu tuần này, Cơ quan Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) thông báo sẽ mở rộng cuộc tấn công vào các nhà máy lọc dầu ở Nga.

Tổng thống Zelensky gần đây cho rằng các cuộc tấn công này là hình thức răn đe bởi Kiev đang cạn kiệt tên lửa cho các hệ thống phòng không do phương Tây viện trợ.

Cả ông Zelensky và ông Austin đều kêu gọi quốc hội Mỹ phê duyệt gói viện trợ hơn 60 tỉ USD cho Ukraine. Ông Zelensky thừa nhận nếu không có viện trợ của Mỹ, Ukraine sẽ thua cuộc.

Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Mỹ sẽ bán cho Ukraine số thiết bị trị giá khoảng 138 triệu USD để duy trì và nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không HAWK, giúp Ukraine chống lại các đợt không kích bằng máy bay không người lái và tên lửa hành trình từ Nga.

Mỹ đã bắt đầu vận chuyển tên lửa đánh chặn HAWK tới Ukraine vào năm 2022 như một bản nâng cấp cho hệ thống tên lửa phòng không vác vai Stinger, một hệ thống nhỏ hơn và có tầm bắn ngắn hơn.

Dù Ukraine đã cạn kiệt nhiều nguồn tài trợ từ Mỹ nhưng nước này vẫn nhận được khoản viện trợ quân sự trị giá 300 triệu USD trong khuôn khổ của đạo luật chi tiêu quốc phòng hằng năm.

Có thể bạn quan tâm