Thể thao

Hé lộ tình tiết rúng động "mua" phiếu bầu đăng cai World Cup 2018 và 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thêm 2 cựu quan chức bị buộc tội tham nhũng sau khi các công tố viên Mỹ làm sáng tỏ vụ bê bối hối lộ trong cuộc bỏ phiếu đăng cai World Cup 2018 và 2022.
 
Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022 được cho là nhờ hối lộ trong cuộc bỏ phiếu. Ảnh: AFP
Theo AFP, Hernan Lopez (49 tuổi) và Carlos Martinez (41 tuổi) - đều là cựu giám đốc điều hành công ty thuộc Tập đoàn truyền thông 21st Century Fox (Mỹ), phải đối mặt với cáo buộc cùng với Gerard Romy (65 tuổi), người làm việc cho tập đoàn truyền thông Tây Ban Nha Imagina. Ba người đàn ông này đều bị buộc tội trả hàng triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức từ Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL), Liên đoàn Bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) liên quan đến các bản hợp đồng phát sóng và "mua" phiếu bầu đăng cai World Cup.
 
Hàng loạt quan chức cấp cao của FIFA bị Mỹ truy tố. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH
Các cáo buộc cho rằng những khoản hối lộ trên được trả để đổi lấy các hợp đồng bản quyền truyền hình sinh lợi cho nhiều giải đấu lớn ở châu Mỹ như Copa America và vòng loại World Cup 2018 và 2022. Vụ việc này là một phần của đại án tham nhũng của FIFA bị phanh phui từ năm 2015 khiến tổ chức đứng đầu bóng đá thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn và dẫn đến sự sụp đổ của Chủ tịch Sepp Blatter.
Bản cáo trạng mới chưa được tiết lộ nhưng cũng nêu một vài chi tiết về tham nhũng xung quanh cuộc bỏ phiếu năm 2010 tại Zurich (Thụy Sĩ), nơi chứng kiến FIFA trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar.
Bản cáo trạng cho biết ông Ricardo Teixeira (người Brazil) và cựu quan chức cấp cao người Paraguay, Nicolas Leoz - đều là thành viên ủy ban điều hành FIFA đã bỏ phiếu trong cuộc đua đăng cai World Cup 2018 và 2022, đã nhận tiền hối lộ để đổi lấy phiếu bầu của Qatar.
Ngoài ra, Jack Warner, cựu Phó chủ tịch FIFA, đã được hứa nhận "các khoản thanh toán hối lộ với tổng trị giá 5 triệu USD” và cựu quan chức bóng đá Rafael Salguero của Guatemala nhận 1 triệu USD để cùng bỏ phiếu cho Nga. Ông Salguero đã nhận tội với nhiều cáo buộc tham nhũng trong năm 2016 và bị FIFA cấm suốt đời trong khi Warner hiện đang chiến đấu việc bị dẫn độ sang Mỹ từ quê hương Trinidad&Tobago do liên quan đến phiên tòa xét xử đại án tham nhũng FIFA.
 
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phải từ chức sau khi vụ bê bối tham nhũng bị phanh phui. Ảnh: AFP
William F. Sweeney Jr, trợ lý giám đốc phụ trách văn phòng FBI tại New York, cho biết: "Trong nhiều năm, các bị cáo và đồng phạm của họ đã làm hỏng việc quản trị và kinh doanh bóng đá quốc tế với hành vi hối lộ và lại quả, cũng như tham gia vào các vụ lừa đảo hình sự gây ra tác hại đáng kể cho bóng đá. Các kế hoạch của họ bao gồm việc sử dụng các công ty vỏ bọc, hợp đồng tư vấn giả mạo và các phương thức che giấu khác để ngụy trang cho các khoản hối lộ và lại quả trở nên hợp pháp”.
Kể từ khi vụ bê bối FIFA nổ ra vào năm 2015, trong đó có hối lộ "mua" phiếu bầu đăng cai World Cup, Chính phủ Mỹ đã cáo buộc tổng cộng 45 người và nhiều công ty thể thao khác nhau với hơn 90 tội danh liên quan đến tham nhũng, trong đó đưa và nhận hối lộ hơn 200 triệu USD. Trong số 45 bị cáo, 5 người đã qua đời. Tổng cộng có 22 người nhận tội, trong đó chỉ có 6 người đã bị kết án cho đến nay.
Tây Nguyên (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm