Việc Liên minh châu Âu (EU) đóng cửa biên giới không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, tuy nhiên việc đẩy mạnh hoạt động kiểm soát dịch có thể gây ra một số hệ lụy.
Các doanh nghiệp da giày thừa nhận sẽ gặp khó trong thời gian tới khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam bắt đầu đóng cửa biên giới để chống dịch - Ảnh: T.V.N.
Tuy nhiên, hoạt động giao thương có thể bị chậm lại do hàng hóa bị kiểm soát chặt chẽ hơn, dự kiến xuất khẩu sang EU có thể giảm 6-8% nếu dịch bệnh kéo dài trong 6 tháng.
Dù khẳng định việc EU tăng cường kiểm soát dịch COVID-19 trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU nhưng trong một thông cáo vừa đưa ra, Bộ Công thương cho rằng các hoạt động này trong thực tế sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ...
Do vậy, các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác, trong đó có Việt Nam, cũng sẽ phần nào bị hạn chế. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... - những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam - có khả năng sẽ suy giảm. Riêng sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm dự báo vẫn có thể được duy trì.
Cũng theo Bộ Công thương, các hoạt động kiểm soát dịch có thể sẽ gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU, cản trở hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư hai bên cũng như việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế.
Do đó, triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU được dự báo sẽ tương đối thấp. Theo đó, nếu dịch kéo dài đến tháng 6-2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% trong quý 1 và quý 2. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.
Doanh nghiệp da giày lo "tắc" đầu ra Bà Phan Thị Thanh Xuân, tổng thư ký Hiệp hội Da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso), cho biết diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến các thị trường mua hàng lớn của ngành da giày - túi xách Việt Nam là Mỹ, EU có dấu hiệu suy giảm mạnh đơn hàng, khi các quốc gia và khu vực này đang bắt đầu đóng cửa biên giới. "Nhiều doanh nghiệp cho biết các hợp đồng đàm phán của quý 2, thậm chí quý 3-2020 chưa thể chốt được do lượng tiêu thụ tại EU, Mỹ đang trên đà suy giảm sau các lệnh phong tỏa, đóng cửa điểm bán ở những quốc gia này" - bà Xuân thông tin. Trong khi đó, theo Lefaso, việc Trung Quốc khởi động lại hoạt động sản xuất đã phần nào giảm áp lực căng thẳng nguồn cung nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất tiếp các hợp đồng đã ký trước đó đang được đẩy nhanh tiến độ thực hiện sau một thời gian ngưng trệ. Đến hết tháng 2-2020, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại ước đạt 2,76 tỉ USD, tăng 55 triệu USD so với năm ngoái do hợp đồng giao hàng mùa xuân hè vẫn còn thời vụ. T.V.N. |
N.An (TTO)