(GLO)- Những ngày qua, trên địa bàn TP. Pleiku liên tiếp xuất hiện những cơn mưa dông với lượng mưa đo được khoảng 60-64 mm. Mưa lớn khiến lưu lượng nước đổ dồn về nhanh, làm hệ thống thoát nước tại nhiều tuyến đường thoát không kịp, gây ngập úng cục bộ, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.
Lượng mưa tương đối lớn gây ngập úng cục bộ ở nhiều tuyến đường giao thông của thành phố. Một số tuyến thường bị ngập nặng như: ngã tư Trần Phú-Hoàng Văn Thụ, đường Lý Nam Đế (đoạn trước Bến xe Đức Long), đường Lê Duẩn (đoạn Công ty Phát triển Thủy điện Sê San), đường Hai Bà Trưng-Đinh Tiên Hoàng; Hùng Vương-Lê Lai; Nguyễn Viết Xuân-Bà Triệu…
Ảnh: Nguyễn Hồng |
Theo thống kê của Phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku, toàn thành phố có 207 tuyến đường chính. Trong số này có 188,26 km được xây dựng hệ thống mương thoát nước hoàn chỉnh và 3,17 km mương hở. Hàng năm, thành phố đều bố trí ngân sách để Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị thực hiện việc vá ổ gà, phát quang, thay thế đanh hư hỏng và xử lý hệ thống thoát nước…
Cũng với Phòng Quản lý Đô thị thành phố, trong thời gian qua, Công ty đã tổ chức phát quang, nạo vét bùn trong các cống hộp, vệ sinh quét dọn đất đá mặt đường trên 9.778 m2, đào mương thoát nước, thay thế đanh hư hỏng… Nhất là chủ động kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngập úng; thu lượm rác, đất đá chèn ở các cửa thu nước. Đặc biệt, Công ty tích cực nạo vét kênh mương, cống rãnh, hố ga và khơi thông các cửa thu nước để giải quyết tốt vấn đề thoát nước.
Qua trao đổi, ông Vũ Tiến Anh-Phó Trưởng phòng Quản lý Đô thị TP. Pleiku cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ vào đầu mùa mưa là do một số vị trí vùng hạ lưu, nhiều nguồn nước tập trung đổ về khiến nước không thoát kịp. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen bỏ rác ra đường, các cửa thu nước dẫn đến nước thoát không kịp gây ngập cục bộ. Hiện nay, thành phố chưa có máy móc thiết bị chuyên dụng nạo hút bùn, thay vào đó là thực hiện nạo vét, hút bùn bằng thủ công. Việc người dân thường thải chất bẩn, vứt xác động vật ra các cống, rãnh không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây khó khăn cho công nhân thi công. Trong thời gian tới, thành phố phải tính đến giải pháp lắp đặt cống hộp hoặc cống tràn để tăng khả năng thoát nước giải tỏa tình trạng ngập úng cục bộ.
Được biết, đa số hệ thống thoát nước TP. Pleiku được xây dựng theo kết cấu đậy đan. Vì vậy, khả năng thoát nước kém và mất mỹ quan đô thị. Việc ngập úng cục bộ vào đầu mỗi mùa mưa tại nhiều tuyến đường lớn không chỉ gây khó khăn cho người tham gia giao thông mà còn gây nhiều thiệt hại cho người dân. Trong thời gian tới, ngành chức năng cần có giải pháp thiết thực xử lý hiệu quả hơn tránh ngập úng cục bộ.
Nguyễn Hồng