Chính trị

Tin tức

Hệ thống Tòa án: Nâng cao chất lượng xét xử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, hệ thống Tòa án trong tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng xét xử, góp phần thực hiện tốt chiến lược cải cách tư pháp.
Thời gian qua, tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, các tranh chấp dân sự tiếp tục gia tăng. Năm 2019, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) trong tỉnh đã thụ lý 7.212 vụ án các loại, trong đó đã giải quyết 6.539 vụ án, đạt gần 90,7%. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2020, TAND 2 cấp đã thụ lý 2.772 vụ án các loại, trong đó hiện đã giải quyết 984 vụ, đạt tỷ lệ 36%. Tòa án nhân dân 2 cấp đã phối hợp với ngành Công an và Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đưa ra xét xử các vụ án đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm; mức hình phạt đã tuyên cơ bản tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội. Các vụ án trọng điểm, án được dư luận xã hội quan tâm được nghiên cứu kỹ, nhanh chóng đưa ra xét xử. 
Tiêu biểu như vụ xét xử 12 cán bộ liên quan đến sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ vào tháng 11-2019. Đây là một trong những vụ án được dư luận đặc biệt quan tâm. Số cán bộ này phải hầu tòa với nhiều tội danh như “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Trong phiên xét xử, nhiều bị cáo đã thuê luật sư bào chữa để chứng minh mình vô tội. Tuy nhiên, sau gần 4 ngày xét xử với những phần xét hỏi, tranh tụng minh bạch, đúng pháp luật, Hội đồng xét xử đã tuyên án gần 200 tháng tù cho 8 bị cáo, 4 bị cáo còn lại lãnh án 6-9 tháng cải tạo không giam giữ.
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được dư luận hoan nghênh. Ảnh: L.V.N
Phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ sai phạm ở Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được dư luận hoan nghênh. Ảnh: L.V.N
Bên cạnh đó, hệ thống TAND cũng lên kế hoạch đưa một số vụ án “điểm” ra xét xử lưu động nhằm công khai, minh bạch hoạt động xét xử cũng như răn đe, giáo dục tại cộng đồng và góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Điển hình là vụ xét xử lưu động đối tượng Rah Lan Hip (SN 1981, trú tại xã Ia Băng, huyện Chư Prông) về tội “Phá hoại chính sách đoàn kết”. Hip là đối tượng đã móc nối với các đối tượng FULRO lưu vong ở Mỹ để lôi kéo nhiều người tham gia “Tin lành Đê ga” để hoạt động chống phá Nhà nước. Việc đưa ra xét xử lưu động trước cộng đồng đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức đúng về âm mưu thâm độc của tổ chức FULRO lưu vong lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá Nhà nước ta. 
Ông Phạm Duy Lam-Chánh án TAND tỉnh-cho hay: Xác định nâng cao chất lượng xét xử là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Tòa án, thời gian qua, TAND 2 cấp đã tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành; đội ngũ cán bộ, công chức, thẩm phán, thư ký nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, hệ thống Tòa án cũng chú trọng công tác tổ chức phiên tòa, từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, nâng cao chất lượng xét xử cho Hội thẩm nhân dân; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng đảm bảo việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Khi xét xử, hội đồng xét xử thực hiện đúng chính sách hình sự là nghiêm trị những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội với tính chất côn đồ, động cơ đê hèn; khoan hồng với những người thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác trong việc phát hiện tội phạm; áp dụng hình phạt nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng-chống tội phạm”-Chánh án TAND tỉnh nhấn mạnh. 
Cũng theo Chánh án TAND tỉnh, thời gian tới, hệ thống Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm 14 giải pháp mà TAND tối cao đề ra để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đặc biệt các vụ án tham nhũng được dư luận quan tâm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tiếp tục tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện việc công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử TAND; TAND 2 cấp cũng chú trọng công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức và Hội thẩm nhân dân; tập trung kiện toàn, củng cố bộ máy và đội ngũ cán bộ; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng giáo dục tư tưởng chính trị nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
LÊ VĂN NGỌC 

Có thể bạn quan tâm