Xã hội

Từ thiện

Hết lòng vì học trò vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Mặc dù hoàn cảnh còn khó khăn nhưng các em rất ham học. Thương học trò vất vả, thầy cô cũng dành hết tình yêu thương, quan tâm và động viên về vật chất lẫn tinh thần”-thầy Lê Văn Hữu-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) chia sẻ.

Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái có 36 lớp với 1.050 học sinh, tỷ lệ học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Học sinh nơi đây đa phần là con hộ nghèo, cận nghèo, gia đình thu nhập chủ yếu từ làm nông nên còn nhiều khó khăn, vất vả.

 

Siu Tươi (ngồi giữa) đã ổn định tinh thần sau cú sốc mất mẹ. Ảnh: N.N
Siu Tươi (ngồi giữa) đã ổn định tinh thần sau cú sốc mất mẹ. Ảnh: N.N

Thương học sinh nên các thầy-cô giáo luôn cố gắng giúp đỡ trong khả năng hữu hạn của mình. Người thì vận động quyên góp quần áo cũ, sách vở, người thì mỗi tháng trích từ đồng lương ít ỏi của mình ra mua cho học sinh vài chục ký gạo… Học sinh nào nghỉ học, các thầy cô liền tìm đến tận nhà động viên các em đến lớp. Chính bởi tình cảm chân thành, yêu trò ấy mà học sinh nơi đây cũng vô cùng kính trọng thầy-cô giáo. Hiếm học sinh nào nghỉ học, bỏ học, ngoại trừ một vài trường hợp quá khó khăn.  

Cô Nguyễn Thị Quỳnh-Chủ nhiệm lớp 5, điểm trường làng Đút, kể: “Lớp mình chủ nhiệm có 16 học sinh. Hoàn cảnh các em rất khó khăn. Sáng các em đến lớp, kết thúc buổi học lại tất tả theo cha mẹ lên rẫy, đi chăn bò… Có em sơ suất trong lúc đi chăn bò bị bò giẫm lên chân đến tóe máu. Nhìn các em như vậy lòng mình đau thắt”. Cô Quỳnh cho biết thêm: Trong lớp có 2 học sinh mồ côi, hoàn cảnh rất khó khăn. Đáng thương nhất là em Siu Tươi. Cách đây gần 2 tháng, mẹ em vì bế tắc đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Cha em thì nghiện rượu nặng nên không quan tâm con cái. 4 anh em tá túc ở nhà dì. Dì Siu Tươi sinh năm 1986 nhưng cũng đã có 7 người con nên chẳng dư dả gì. Đủ cái ăn cho gia đình đã là chuyện khó, nói chi đến việc cưu mang thêm 4 đứa con của chị gái. Vậy nên, anh em Siu Tươi lúc thì ở nhà dì, khi lại sang nhà ngoại. Ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi, thu nhập chỉ trông vào mấy sào mì nên cũng chẳng kham nổi mấy miệng ăn. Thương hoàn cảnh của em, cô Quỳnh đã trích từ tiền lương của mình hỗ trợ cho em 20 kg gạo/tháng.

Lúc còn sống, mẹ Siu Tươi rất quan tâm chuyện học của con mình. Nhà gần điểm trường nên ngày nào chị cũng chạy qua hỏi thăm cô giáo về chuyện học tập của con mình. Mẹ mất, 4 anh em Siu Tươi hụt hẫng, mất phương hướng. Mấy ngày liền em không đi học và cũng định bụng rằng sẽ nghỉ học luôn. Biết việc, cô giáo chủ nhiệm đến nhà khuyên giải. Tươi bộc bạch: “Em thương cô giáo nên đồng ý đi học lại”.

Vậy nhưng, từ một cậu bé hoạt bát, Tươi trở nên lầm lì ít nói, cộc cằn và khó bảo, học hành sa sút. Cô hay các bạn hỏi gì chỉ ậm ừ cho qua. Hiểu học trò đang trong giai đoạn bất ổn về tinh thần, cô Quỳnh thường xuyên động viên, khuyên bảo, dần dà Tươi cũng dần hòa nhập trở lại. Bà Siu Krec-bà ngoại Tươi, xót xa cho biết: “Buồn lắm! Mẹ Tươi là con đầu. Chẳng biết nó buồn việc gì mà tự tử. Nó chết, 4 đứa con mồ côi. Giờ mình đón chúng nó về đây nuôi nấng. Mình cũng khổ lắm nhưng thương cháu, có gì thì ăn nấy. Cơm canh chẳng mấy khi có thịt cá, chủ yếu là cơm trắng với rau. Đứa lớn đã nghỉ học, Tươi học lớp 5, 2 em kế học mầm non. Sách vở của Tươi đều là nhờ các cô cho”.

Thầy Lê Văn Hữu chia sẻ: “Học trò ở đây hơn 50% bị suy dinh dưỡng. Thương học trò khó khăn, vất vả nhưng thầy-cô giáo cũng chỉ cố gắng giúp trong khả năng hữu hạn của mình, mỗi người góp một ít và đặc biệt dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, chăm lo cho học sinh về mặt tinh thần. Nhờ đó học sinh luôn chăm chỉ học tập, đi học đều. Em nào nghỉ học, bỏ học thì các thầy cô đến nhà vận động ngay. Kết thúc học kỳ I năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái có 42% học sinh xếp loại khá giỏi, đảm bảo sĩ số đến lớp 100%”.

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm