(GLO)- Là một cán bộ quản lý năng động, sáng tạo, có nhiều thành tích trong sự nghiệp trồng người, cô Hoàng Thị Bảy-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Sơn Ca (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) luôn được đồng nghiệp và các bậc phụ huynh yêu mến.
Nằm cách trung tâm huyện Ia Pa hơn 15 km, Trường Mẫu giáo Sơn Ca có 1 điểm trường chính và 7 điểm trường lẻ. Trường có hơn 70% học sinh dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn. Tháng 10-2015, khi cô Hoàng Thị Bảy bắt đầu về nhận công tác, lúc này điểm chính của trường mới chỉ có 4 phòng học, phòng hiệu bộ và bếp ăn; cảnh quan môi trường còn sơ sài, thiếu cây xanh, các điểm trường lẻ chưa có mái che sân trường, tường rào bao quanh. Cô Bảy tâm sự: “Học sinh ở đây khó khăn lắm nên để vận động được các em đến trường không dễ. Do đó tôi luôn trăn trở làm sao để có thể xây dựng môi trường học tập thân thiện, giúp các em hứng thú đến trường, đồng thời cũng giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học tập tốt nhất. Chỉ mong sao tương lai các em không phải quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời như bố mẹ”.
Cô Hoàng Thị Bảy chăm sóc học sinh trong một giờ ăn trưa. Ảnh: Như Loan |
Vì những trăn trở đó, cô đã vận động các đoàn thể xã cùng phụ huynh chung tay góp sức để xây dựng gần 200 m2 mái che sân trường, rào 1.700 m2 sân vườn bằng cây xanh, xây dựng hơn 50 m2 nhà bếp, làm bể lọc nước, làm đường bê tông vào những điểm trường xa nhất… Đặc biệt, để tạo môi trường xanh-sạch-đẹp, cô còn vận động cán bộ, giáo viên nhà trường cùng các bậc phụ huynh trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh, thu gom phế liệu xây dựng các góc học tập, lên rừng chặt tre và cắt cỏ tranh làm nhà rông để học sinh vừa học vừa tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Ông Ksor Run (phụ huynh học sinh) chia sẻ: “Cô Bảy rất thương con em chúng tôi. Vậy nên chỉ cần khi nào cô vận động, cả làng chúng tôi đều tham gia lao động góp chút công sức cùng cô xây dựng cảnh quan trường học”.
Ở những điểm trường hẻo lánh như làng Bi Yông, việc đảm bảo sĩ số luôn gặp khó do phụ huynh thường đưa con theo lên rẫy vì không có người trông coi. Vì vậy, cô Bảy đã quyết tâm thay đổi suy nghĩ này của dân làng bằng cách kiên trì đến từng chòi rẫy thuyết phục phụ huynh cho con em trở lại lớp học. Cảm phục sự kiên trì của cô, dần dần bà con đã cho trẻ đến lớp, trong làng không còn tình trạng trẻ bỏ học. Ngoài ra, trên cương vị cán bộ quản lý, cô Bảy cũng luôn trăn trở làm thế nào để góp phần cùng toàn ngành xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc giáo dục trẻ ở bậc học mầm non. Cô Siu HChe-giáo viên Trường Mẫu giáo Sơn Ca-chia sẻ: “Qua công tác ở trường, tôi học hỏi được rất nhiều từ cô hiệu trưởng. Cô là một giáo viên rất yêu thương và gần gũi học sinh. Đối với đồng nghiệp cô luôn tận tình trao đổi, giúp đỡ cũng như chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy”.
Với sự kiên trì, giờ đây cô Bảy đã biến Trường Mẫu giáo Sơn Ca trở thành ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, môi trường học tập thân thiện khiến các em rất thích thú đến trường. Đến nay, trường đã tổ chức được 11/14 lớp bán trú, sĩ số học sinh luôn đảm bảo và đây cũng là ngôi trường được đánh giá là thực hiện rất tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non. Ông Phạm Văn Đức-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia Pa-cho biết: “Trường Mẫu giáo Sơn Ca đạt được những kết quả như ngày hôm nay cũng nhờ một phần công sức của cô Bảy. Cô là một hiệu trưởng rất tâm huyết với ngành giáo dục, là tấm gương sáng để các thầy-cô giáo noi theo”.
Như Loan