(GLO)- Đó là nội dung được đề cập tại Quyết định số 736/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quy định về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng, lò Hoffman trên địa bàn và kế hoạch tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung đến năm 2020.
Các công trình xây dựng vẫn còn phổ biến việc sử dụng gạch đất sét nung. Ảnh: T.N |
Theo đó kể từ ngày 30-12-2017 chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất đến 30-12-2018 đối với lò đứng liên tục. Đến 30-12-2018 phải chấm dứt hoạt động đối với lò sử dụng nhiên liệu hoá thạch. Không cho phép đầu tư và cấp phép, nâng cấp, xây dựng mới đối với lò sử dụng nhiên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp. Các dự án đã đuợc phê duyệt hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư bắt buộc phải chuyển sang đầu tư bằng công nghệ lò Tuynel hoặc sản xuất gạch không nung. Cho phép tồn tại đối với nhà máy gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lò vòng cải tiến (lò Hoffman) với nhiên liệu đốt là phế liệu nông nghiệp như: vỏ trấu, mùng cưa, củi cành cao su... và phải có nguồn đất sét được khai thác hợp pháp nhưng đến năm 2020 phải chấm dứt hoạt động.
Đối với lò Tuynel, cho phép đầu tư mới hoặc chuyển đổi từ lò đứng liên tục, lò vòng sang sản xuất gạch nung bằng công nghệ lò Tuynel có công suất dây chuyền tối thiểu 10 triệu viên/năm, có nguồn nguyên liệu đất sét được khai thác hợp pháp, có công nghệ sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, khuyến khích tận dụng được phế thải công nghiệp, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Đối với các nhà máy gạch sử dụng công nghệ lò Tuynel hiện có, tiếp tục đầu tư hoàn thiện và cải thiện công nghệ để giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu, tiết kiệm tài nguyên.
Về kế hoạch tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXDKN) đến năm 2020, thực hiện theo định hướng tăng tỷ lệ VLXDKN trong công trình xây dựng theo thể tích khối xây. Đối với các công trình sử dụng vốn ngân sách và vốn nhà nước ngoài ngân sách, trên địa bàn TP. Pleiku, các công trình xây dựng khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công phải sử dụng tối thiểu 70% VLXDKN. Sau năm 2017 mỗi năm tăng tỷ lệ sử dụng thểm 10%, định hướng đến năm 2020 TP. Pleiku sử dụng 100% VLXDKN. Ở các huyện, thị xã, các công trình xây dựng khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công phải sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN. Sau năm 2017, mỗi năm tăng tỷ lệ sử dụng thêm 10%, định hướng đến năm 2022, các huyện, thị xã phải sử dụng 100% VLXDKN. Đối với các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vôn, sử dụng tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây) đồng thời khuyến khích sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, khu vực đô thị, số tầng...
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã ,thành phố theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ của nội dung Quyết định này để tổ chức triển khai thực hiện.
Thanh Nhật