* Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương:
Nên xã hội hóa nhà đầu tư
Tôi cho rằng, thu hút được càng nhiều doanh nghiệp đến đầu tư thì nền kinh tế của tỉnh càng phát triển. Để thu hút được doanh nghiệp thì cơ sở hạ tầng phải đảm bảo. Đó là lý do mà thời gian qua, việc phát triển các cụm công nghiệp mang tính kết nối cao được chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 12 cụm công nghiệp đã thành lập và quy hoạch chi tiết với diện tích 391,5 ha; 2 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết nhưng chưa thành lập; 4 cụm công nghiệp chưa thành lập và chưa quy hoạch chi tiết. Theo thống kê, tổng diện tích phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 600 ha, trong đó mới chỉ có khoảng 20% diện tích được lấp đầy. Đặc biệt, các cụm công nghiệp được quy hoạch, bố trí có tính kết nối cao khi hầu hết đều đặt dọc các tuyến quốc lộ 19, 14, 25.
Mới đây, Bộ Công thương đã đồng ý và tỉnh đã bổ sung vào quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm: Cụm Công nghiệp Đak Pơ, mở rộng Cụm Công nghiệp Mang Yang và Cụm Công nghiệp Đak Đoa 2. Chúng tôi sẽ tăng cường thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đây là mảng chiếm 66% tỷ trọng ngành công nghiệp toàn tỉnh. Tôi cho rằng tỉnh nên triển khai là “xã hội hóa nhà đầu tư”, tức là để cho các nhà đầu tư vào đầu tư hạ tầng tại các cụm công nghiệp. Từ đó, họ tự nhiên sẽ có trách nhiệm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư khác đến đầu tư tại cụm công nghiệp. Đó là chiến lược hợp lý trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế như hiện nay.
* Ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ:
Tập trung phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới
Là huyện biên giới có vị trí và tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh, Đức Cơ đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động trọng tâm về: xây dựng các dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; giảm nhanh hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch giai đoạn 2021-2025 và xây dựng thị trấn Chư Ty đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021-2025. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện các giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thúc đẩy sản phẩm chủ lực OCOP của huyện gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng hợp tác xã, đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch…
Tuy nhiên, để phát triển toàn diện, huyện đề nghị tỉnh quan tâm đến các giải pháp phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, đặc biệt là việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng và các dịch vụ logistics. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành làm việc với các bộ, ngành trung ương để có cơ chế tháo gỡ khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu; cho chủ trương hình thành và phát triển chợ phiên biên giới Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đồng thời, huyện đề nghị tỉnh quan tâm điều chỉnh, bổ sung phương án phát triển Cụm Công nghiệp huyện tại làng Ia Kăm (xã Ia Kriêng) với quy mô khoảng 75 ha vào quy hoạch phát triển cụm công nghiệp của tỉnh đến năm 2030. Trên cơ sở đó, huyện tiến hành kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến sâu cho nông sản không chỉ của Đức Cơ mà cả các huyện lân cận và nước bạn Campuchia, tạo ra các nguồn hàng, sản phẩm chất lượng, giá trị cao cho xuất khẩu.
* Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển
Thời gian qua, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã cố gắng làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp cho tỉnh; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới tiếp tục dựa trên cơ sở sự phát triển, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, huy động nhiều nguồn lực vào công tác đầu tư. Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Sở đã kiến nghị một số giải pháp quan trọng liên quan đến công tác phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030. Đó là tích cực kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công; tiếp tục xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục kêu gọi đầu tư; chủ động nghiên cứu, đề xuất cải tiến các thủ tục đầu tư để làm cơ sở cho việc kêu gọi các nhà đầu tư; tham gia tích cực các chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia.
Việc làm tốt chức năng tham mưu chiến lược, thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển, “nắn dòng” đầu tư công đi đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm là điều mà chúng tôi sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới.
* Ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang:
Cần định hướng lâu dài, chính xác để phát triển nông nghiệp
Ngành nông nghiệp chịu tác động trực tiếp của các yếu tố khách quan của thị trường cung-cầu, cạnh tranh, giá cả. Do vậy, để kinh tế nông nghiệp phát triển một cách bền vững, trước mắt, tỉnh cần có định hướng mang tính lâu dài và phải tương đối chính xác hoặc có cơ sở về dự báo nhu cầu chủng loại sản phẩm, sản lượng cung ứng. Cùng với đó, tỉnh cần xác định thị trường truyền thống hay thị trường mới để rà soát, khảo sát lại năng lực các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các loại nông sản về quy mô và khả năng đáp ứng đối với các đơn hàng, hợp đồng lớn. Từ đó, xác định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm mà từng thị trường yêu cầu nhằm triển khai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất.
Hiện nay, một số doanh nghiệp của tỉnh đã sản xuất nhiều loại giống cây ăn quả đảm bảo tiêu chuẩn nhưng chủng loại chưa đa dạng, chưa đáp ứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh và nhu cầu của người dân. Trong khi đó, Tây Nguyên hiện là vùng trồng cây ăn quả lớn của cả nước, nhu cầu trong dân rất lớn nên cần đầu tư hình thành viện hoặc trung tâm nghiên cứu nhân giống cây ăn quả để người dân, hợp tác xã yên tâm khi mua giống tại cơ sở có uy tín và đảm bảo về chất lượng. Một yếu tố quan trọng khác là cần có cơ chế, chính sách liên kết thực sự rõ ràng, có tính ràng buộc giữa người nông dân-doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xuất khẩu hướng đến các bên đều có lợi và trách nhiệm lẫn nhau. Điều này khắc phục tình trạng khi được giá, người nông dân không bán hàng hóa cho doanh nghiệp đã ký kết và ngược lại, khi giá thị trường giảm thì doanh nghiệp không thu mua nông sản của người nông dân.
* Ông Nguyễn Tiến Định-Giám đốc Công ty cổ phần Pniexpo:
Cần tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu
Để sản phẩm nông nghiệp vươn xa, tỉnh cần tổ chức quy hoạch vùng nguyên liệu. Bởi khi làm chủ được nguồn nguyên liệu và có thể đáp ứng nhu cầu với số lượng lớn thì sẽ làm chủ được thị trường hay cả ngành, lĩnh vực. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc đầu tư cơ sở hạ tầng về giao thông rất quan trọng, một khi lưu thông thuận lợi sẽ giảm được chi phí cho doanh nghiệp, nhất là chi phí logistics. Gia Lai đang đi sau Đak Lak về vấn đề này vì mức phí gửi hàng hóa ở Đak Lak đều thấp hơn Gia Lai. Đặc biệt, sau khi doanh nghiệp có nguyên liệu, tối ưu được chi phí sản xuất, giá sản phẩm tốt hơn thì tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở khâu xúc tiến thương mại tại các hội chợ lớn ở nước ngoài.
Còn về bài toán thu hút đầu tư, tỉnh cần hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất vì họ chính là người tạo ra việc làm cho xã hội. Vì vậy, tỉnh nên quan tâm đến chính sách hỗ trợ và kịp thời chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thuê đất để mở xưởng sản xuất, bởi hiện có một số doanh nghiệp đặt vấn đề thuê đất trong cụm tiểu thủ công nghiệp của huyện nhưng thời gian rất dài vẫn không thấy hồi âm.