(GLO)- Có những loài hoa không chỉ đơn thuần tô đẹp khung cảnh bằng sắc thắm hay hương thơm, chúng còn là một phần ký ức, là cõi nhớ, là tâm tưởng. Vì thế, không có gì khó hiểu khi với nhiều người, chẳng có sắc vàng nào mỏng manh, tinh khôi, rực rỡ như mai. Còn gì hơn khi một sáng đầu xuân ngó ra hiên nhà thấy lão mai đơm sắc, mang Tết đến tận ngõ.
Hơn 3 thế kỷ trước, những cư dân Việt đầu tiên từ vùng đồng bằng vượt núi đến vùng đất cao nguyên này sinh sống, lập nghiệp. Chiếm số đông trong dòng người di cư ấy là người Bình Định. Mang theo bóng hình cố xứ trong hành trình ly hương, người dân xứ nẫu đã tạo dựng quê hương thứ hai trù phú, đầm ấm song không thể thiếu nét quê mà cây mai là một định hình. Đó là lý do nhà ai cũng trồng ít nhất một cây mai vàng trước hiên. Nhiều cây bây giờ lên hàng lão, là chứng nhân của bao mùa xuân đến rồi đi.
|
Cây mai cổ thụ nở hoa trước ngôi nhà xưa tạo một bức tranh yên bình của làng quê. Ảnh: Đắc Thành |
Từ An Khê, người Bình Định đổ dần về các địa phương như: Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa… lập thành những xóm, cụm dân cư đồng hương đông đúc, nhất là dọc theo quốc lộ 19. Những ngày đầu xuân chạy xe trên cung đường này, ai mà không ngơ ngẩn trước khung cảnh xa xa là dãy núi thẳm hùng vĩ, bên đường mai đồng loạt nở bung cánh vàng, chi chít trên thân lão mai sum suê cành nhánh. Nắng cao nguyên vàng như mật càng tôn sắc mai thêm ngời ngợi, lung linh. Xuân hiện hữu và tràn ngập, cần gì tìm kiếm nơi xa?
1. Những ngày cận Tết năm nay, chúng tôi làm một chuyến lữ hành dọc cung đường ấy để ngắm những lão mai. Ngang qua một ngôi nhà nhỏ ở thôn An Phong (xã Phú An, huyện Đak Pơ), chúng tôi không khỏi chú ý đến góc sân rậm rạp gốc mai già. Đang chăm cây cảnh, ông Nguyễn Sáu mời khách vào uống ly trà nóng. Chúng tôi thích thú ngắm ngôi nhà đậm màu hoài niệm: bốn bức tường quét vôi vàng, kết cấu 2 gian, gian chính phía bên trái là phòng thờ, gian phụ bên phải đặt bộ bàn tiếp khách, lùi về phía sau là các phòng riêng. Bóng nắng lốm đốm đổ xuống khuôn sân nhỏ tráng xi măng. Mấy chú chó nằm duỗi mình trước hiên ra chiều thư giãn. Cội mai già cùng cây lá trong vườn hòa thanh giữa tiếng gió xào xạc. Nhiều cành mai đã bắt đầu nhu nhú nụ xanh non.
Ông Sáu có đến nửa đời người gắn bó với gốc mai này. Ông nhớ lại: Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cha mẹ ông rời quê lên đây lập nghiệp rồi lần lượt sinh 4 người con. Khi ông cưới vợ và bắt đầu ra riêng cách đây hơn 30 năm, trong hình dung luôn có gốc mai phía trước nhà. Ông vào núi chọn một gốc mai đẹp bứng lên, nuôi trong bầu cho khỏe rồi mới đem trồng, đánh dấu một kỷ niệm đẹp của đời người. “Hồi đó, mộng của tôi là trồng cả một vườn mai quanh nhà, nhưng rốt cục chỉ có cây này là sống đến giờ”-ông Sáu kể. Cây mai này lạ lắm, có đủ cả hoa 5 cánh, 7 cánh, thậm chí 9 cánh. Chu vi gốc lên đến 60-70 cm, chiều cao xấp xỉ 4 m. Mỗi lần lặt lá, ông phải bắc thang, lúi húi làm mấy ngày mới xong. Hơn 30 năm qua, có khi cuộc sống chẳng dễ dàng gì, nhưng Tết đến chỉ cần thấy mai rộ sắc là ông lại thấy lòng thư thái. “Ngắm mai là tự nhiên thấy Tết đủ đầy, không cần mua sắm gì thêm nhiều”-ông Sáu trải lòng.
|
Hoa mai nở từng chùm, mỗi bông có 5 cánh. Ảnh: Đắc Thành |
Không gian rặt màu quê kiểng ấy níu lòng lão nông 65 tuổi, khiến ông không muốn sửa sang, xây mới. Vài năm trở lại đây, nhiều người lân la đến hỏi mua gốc mai này nhưng ông đều lắc đầu dù chưa khi nào mai lại được giá đến thế. Vài nhà xung quanh rậm rịch bán dần. Năm ngoái, nhà đối diện bán gốc mai cổ thụ với giá 200 triệu đồng. Cách đây 3 tháng, nhà xóm trên cũng bán đi một cây để có 100 triệu đồng trang trải việc nhà. Chỉ đến khi con trai đầu ngỏ lời xin cha cho bán đi gốc mai già để trả nợ, ông mới ngậm ngùi: “Ừ, ba má làm lụng cả đời vất vả cũng vì lũ bay. Nếu con cần thì để ba bán đi cũng được”. Kể đến đây, ánh mắt ông thoảng chút trầm tư. Sẽ thiếu đi một nỗi gì nếu Tết chẳng được nhuộm sắc mai vàng…
2. Cũng từng bán đi một gốc mai với giá hơn 100 triệu đồng nhưng bà Trần Thị Kim Loan (thôn Nhơn Thọ, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) vẫn rất “giàu có” khi còn đến 4 gốc có tuổi đời trên 30 năm, 2 cây trước hiên, 2 cây bên hông nhà. Những cây mai này được vợ chồng bà mang từ núi về, chăm sóc kỹ lưỡng kể từ khi ra riêng. Chúng cao hơn 4 m, lừng lững cành nhánh, chu vi gốc lên đến gần 90 cm, chu vi tán gần 5 m. Trước thềm xuân, cây nào cây ấy âm thầm tích trữ nhựa sống. Một cây ham đón Tết sớm nên đã hấp tấp bung cánh vàng tươi.
|
Niềm vui đón những cánh mai đầu tiên của bà Trần Thị Kim Loan (thôn Nhơn Thọ, xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang). Ảnh: Phương Duyên |
Tạm dừng việc nhà, bà Loan vui vẻ trò chuyện: Quê bà ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Năm 1968, bà theo cha mẹ lên đây sinh sống. Vùng đất mới chào đón những gia đình xa xứ với lòng nhiệt thành, mến khách. Rồi cả 5 anh chị em bà đều được cha mẹ dựng vợ gả chồng trên quê hương thứ hai. Những gốc mai núi chứng kiến ngày đầu lắm nỗi khó nhọc với việc khai hoang, trồng trọt, thiếu ăn thiếu mặc là chuyện thường. Nhưng đất chẳng phụ sức người, 10 ha đất của gia đình bà dần phủ kín cà phê, bạch đàn, mang lại cuộc sống sung túc, chẳng nhiều lắng lo. Với bà, ngoài mùa thu hoạch, thời điểm vui nhất, rộn ràng nhất trong năm là khi cả 4 người trong gia đình cùng nhau bón gốc, lặt lá mai để chúng nở đúng dịp. “Tết đến cả khoảng sân vàng rực, đẹp lắm!”-bà Loan kể mà gương mặt bừng nét vui. Tôi quý nét lãng mạn ấy trong tính cách những người nông dân gốc gác xứ biển. Đó là điểm tựa của quê hương mà họ luôn mang theo bên mình. Chưa kể, dù bận rộn đến mấy nhưng năm nào nhà bà cũng quây quần gói bánh tét để vị Tết thêm đậm đà, ấm cúng.
Rời khoảng sân phơi kín cà phê cùng những gốc mai rực rỡ kỷ niệm của gia đình bà Loan, không dưng lòng tôi cũng đầy phấn chấn. Tôi liên tưởng đến cung đường đẹp như mộng, vàng rực sắc mai khi nắng xuân về. “Phượt” một chuyến liên huyện để thỏa sức ngắm mai có lẽ là một gợi ý hay dành cho những ai mê đắm chuyến lữ hành cùng xuân.
PHƯƠNG DUYÊN