Bạn đọc

Gia Lai tăng cường phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sở Nông nghiệp và PTNT vừa ban hành Công văn số 4262/SNNPTNT-CCTTBVTV về việc tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Tây Nguyên, từ nay đến những tháng đầu năm 2025, nhiệt độ trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ 0,5-1 độ C. Mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên có thể kết thúc muộn hơn bình thường; bên cạnh đó xuất hiện các đợt mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến chu kỳ sinh trưởng của các loại cây trồng và một số đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại không theo quy luật làm ảnh hưởng đến sản xuất.

can-bo-nong-nghiep-xa-ia-drang-huong-dan-cach-phong-tru-sau-benh-tren-cay-ho-tieu-cho-nguoi-dan-anh-nhat-hao.jpg
Cán bộ nông nghiệp xã Ia Drăng (huyện Chư Prông) trực tiếp xuống vườn hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho người dân. Ảnh: Nhật Hào

Để phòng trừ có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây hại cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ban ngành liên quan, các địa phương trên địa bàn hướng dẫn người dân vệ sinh đồng ruộng, nương rẫy ngay sau khi thu hoạch và thực hiện tốt việc cải tạo đất để hạn chế các mầm bệnh gây hại cho các loại cây trồng trong vụ tiếp theo. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng các giống sạch bệnh, giống mới có khả năng kháng bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao vào canh tác; gieo, trồng đảm bảo thời vụ nhằm tránh rét, tránh khô hạn cho cây trồng; tăng cường hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, tăng cường theo dõi, điều tra, dự báo và có phương án xử lý cụ thể và hiệu quả đối với các loại sâu bệnh có khả năng gây hại mạnh trên từng loại cây trồng…

Ngoài ra, đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật ngăn chặn kịp thời các loại giống cây trồng không rõ nguồn gốc, nhiễm sâu bệnh, vật tư nông nghiệp kém chất lượng đưa vào sản xuất gây thiệt hại cho nông dân; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng nhằm khuyến cáo kịp thời các biện pháp phòng trừ cho các địa phương thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan chuyên môn cấp huyện tập trung phòng trừ sâu bệnh có hiệu quả; cử cán bộ chuyên môn của Chi cục phối hợp cùng địa phương trực tiếp xuống đồng ruộng để xử lý, không để lây lan ra diện rộng đối với các loại sâu bệnh nguy hiểm như bệnh khảm lá vi rút hại mì, bệnh trắng lá mía gây hại cây mía, sâu keo mùa thu hại bắp, bệnh héo chết nhanh, vàng lá chết chậm trên cây hồ tiêu, bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh vi rút hại chanh leo…

Có thể bạn quan tâm