Du lịch

Hiệp hội Du lịch-Hướng đến chuyên nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nâng cao tính chuyên nghiệp, liên kết, trợ giúp kịp thời cho các doanh nghiệp du lịch… là những mục tiêu quan trọng mà Hiệp hội Du lịch tỉnh hướng đến nhằm góp phần phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.

Phát huy vai trò cầu nối

2 năm trở lại đây, với nhiều sự kiện du lịch được tổ chức, vị trí của du lịch Gia Lai trên bản đồ khu vực đã cải thiện đáng kể.

Trong đó có một phần đóng góp của Hiệp hội Du lịch tỉnh thông qua nhiều hoạt động. Năm 2016, Hiệp hội phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch mời Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam-ông Nguyễn Hữu Thọ tham gia khảo sát các tuyến, điểm du lịch trong tỉnh.

Chuyến khảo sát là cơ sở để những nhà làm du lịch chuyên nghiệp có những tư vấn, góp ý về phát triển du lịch với Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với sự hỗ trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, du lịch Gia Lai có cơ hội ký kết các chương trình hợp tác, liên kết phát triển với Hiệp hội Du lịch  TP. Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác và một số doanh nghiệp du lịch lớn trong nước. 
 

Nhiều đoàn khách đến Gia Lai gần đây có vai trò cầu nối của Hiệp hội Du lịch tỉnh. Ảnh: H.N

Dưới sự vận động của Hiệp hội, các thành viên tích cực tham gia nhiều sự kiện du lịch lớn như: tham gia Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 12-năm 2016, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam-VITM Hà Nội 2016, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE TP. Hồ Chí Minh…

Những sự kiện này đã góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh Gia Lai, các sản phẩm du lịch đặc trưng đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hiệp hội cũng góp phần hỗ trợ Diễn đàn Doanh nghiệp Du lịch vừa và nhỏ Việt Nam (VTF) thực hiện chương trình khảo sát du lịch “Biển xanh kết nối đại ngàn” nhằm tìm hiểu tiềm năng du lịch một số tỉnh Tây Nguyên, mở ra cơ hội hợp tác phát triển du lịch rừng-biển.  

Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đóng vai trò cầu nối khi liên tiếp mời các đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị, miễn phí dành cho các hãng lữ hành) đến từ 2 trung tâm lớn của cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khảo sát du lịch Gia Lai. Từ những chuyến khảo sát này, các doanh nghiệp đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh ta, làm tiền đề xây dựng các sản phẩm du lịch mới.

Mới đây nhất, Công ty Masan của TP. Hồ Chí Minh đã đưa 135 thành viên đến Gia Lai để trải nghiệm nhiều loại hình du lịch với chủ đề “Cuộc đua không có vạch cuối”. Đây là kết quả đầu tiên của những đợt khảo sát, tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa Gia Lai và các trung tâm lớn của cả nước, cho thấy du lịch đang có sự chuyển động tích cực.

Để hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của tỉnh, năm 2017 đánh dấu nhiều chuyến khảo sát, tìm kiếm các sản phẩm mới do Hiệp hội phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức.

Đó là các chuyến khảo sát du lịch Đông Trường Sơn, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, khảo sát tuyến du lịch phía Tây, đặc biệt là núi lửa Chư Đăng Ya (xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah), khảo sát các tuyến du lịch “lên rừng xuống biển” nối Gia Lai với Bình Định, Phú Yên; tuyến du lịch Gia Lai-Campuchia qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh… nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Ông Đinh Vạn Dũng-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, đánh giá: “Du lịch Gia Lai đã có sự chuyển động tích cực, nhất là trong 2 năm trở lại đây. Tuy nhiên, với điều kiện như hiện nay, du lịch sẽ khó có sự đột phá mà cần phải có cách làm kiên trì, thường xuyên, liên tục và từng bước vững chắc để hướng đến yếu tố bền vững. Muốn như vậy, các doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ, cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ lẫn nhau. Về phía Hiệp hội, chúng tôi sẽ củng cố bộ máy tổ chức, nỗ lực để hướng đến sự chuyên nghiệp, kết nối và trợ giúp kịp thời cho các doanh nghiệp du lịch về mặt cơ chế, chính sách cũng như tiếp cận thuận lợi với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có các sản phẩm du lịch”.

Để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, Hiệp hội đã tổ chức gặp gỡ, trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giữa doanh nghiệp du lịch với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan. “Qua đó, Hiệp hội đã góp phần từng bước tháo gỡ những vướng mắc giúp doanh nghiệp hoạt động.

Gia Lai chuẩn bị tổ chức lễ hội hoa dã quỳ-Chư Đăng Ya- một hình thức thu hút khách du lịch. Ảnh: Minh Thi

Ví dụ bảng cấm xe du lịch vào nội thị nay đã được điều chỉnh dễ dàng hơn. Hay công tác kiểm tra, kiểm soát, khai báo lưu trú, nhất là với người nước ngoài trước rất khó khăn nay đã thuận lợi hơn rất nhiều. Đây là những yếu tố nhỏ nhưng góp phần tạo ra môi trường du lịch thân thiện, chuyên nghiệp, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động”-ông Dũng cho biết.

Để trở thành một tổ chức nghề nghiệp uy tín, hoạt động hiệu quả, Hiệp hội cần nỗ lực rất nhiều trong vai trò cầu nối. Song, vấn đề cốt lõi là phải làm sao đảm bảo được quyền lợi cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn, làm cho doanh nghiệp thấy được lợi ích khi trở thành thành viên để tích cực tham gia, xây dựng Hiệp hội vững mạnh, chuyên nghiệp.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh thừa nhận, doanh nghiệp du lịch Gia Lai đông nhưng chưa mạnh, điều này có một phần trách nhiệm của Hiệp hội. “Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tăng cường kết nạp thêm hội viên, đồng thời chú trọng hoạt động liên kết các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các tỉnh, thành trong cả nước.

Hiệp hội sẽ vận động các doanh nghiệp du lịch xây dựng thêm các sản phẩm chất lượng như khách sạn 3-4 sao, khu vui chơi giải trí, các địa điểm mua sắm, ăn uống… Lựa chọn một số cơ sở tiêu biểu để công nhận đơn vị đủ tiêu chuẩn phục vụ du lịch.

Qua đó góp phần quảng bá, tăng uy tín và thương hiệu cho doanh nghiệp để họ thấy được quyền lợi khi tham gia Hiệp hội. Bên cạnh đó, tiếp tục mời các công ty lữ hành ngoài tỉnh đến Gia Lai khảo sát để mở tour, tuyến mới, tổ chức cuộc thi ảnh đẹp, những bài viết hay về du lịch để quảng bá du lịch… là những việc Hiệp hội sẽ làm trong thời gian tới”-ông Đinh Vạn Dũng cho biết thêm.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm