(GLO)- Tình trạng thanh niên thất nghiệp, thiếu việc làm, đặc biệt là thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang là vấn đề cấp thiết được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh hết sức quan tâm. Để giải bài toán việc làm cho thanh niên, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế-xã hội, bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực.
Tháng 9-2011, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp (Viện Khoa học-Kỹ thuật Nam bộ) được triển khai tại xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ). Dự án được triển khai với nội dung: Xây dựng mô hình thâm canh mía bằng giống mới K88-92 và giống cũ R579 với diện tích 5 ha cho 5 hộ gia đình là đoàn viên, thanh niên tham gia. Mô hình trồng thử nghiệm một số giống cỏ (VA-06, sả TD58, Ruzi và Mulato) trên diện tích 4.000 m2 và ủ chua thức ăn thô xanh cho bò. Mô hình nuôi bò lai sinh sản với 23 bò cái lai Zebu và 2 bò đực giống, giao cho 25 hộ thanh niên có tinh thần học hỏi, ý chí làm giàu và đang nuôi ít nhất 1 con bò. Tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1,2 tỷ đồng. Tháng 9-2013, dự án kết thúc, kết quả cho thấy: giống mía K88-92 đạt năng suất trung bình hơn 103 tấn/ha, cao hơn giống R579 hơn 20 tấn/ha. Các giống cỏ trồng thử nghiệm có tỷ lệ mọc mầm và sống sau khi trồng đạt 97,6% đến 99,8%, năng suất các giống cỏ đạt từ 16,3 tấn đến 33,6 tấn/ha.
Bò lai hỗ trợ gia đình anh Đinh Văn Xuân đang sinh sản lứa thứ 2. Ảnh: P.L |
Hiện tại, sau gần 5 năm triển khai, các mô hình của dự án đã và đang tiếp tục phát triển và đạt nhiều hiệu quả, đáng chú ý là tỷ lệ sống và phát triển của đàn bò rất cao. Từ số lượng giống ban đầu, đến cuối năm 2015, có 14 con bò cái đã sinh sản lứa thứ nhất, 3 con bò cái sinh sản lứa thứ hai; 6 con còn lại đang mang thai, nâng tổng số đàn bò lên 45 con. Ngoài ra, dự án đã đào tạo được 10 kỹ thuật viên cơ sở, học viên đều nắm vững những kiến thức cơ bản về quy trình kỹ thuật trồng mía, chăn nuôi bò sinh sản và kỹ thuật ủ chua ngọn mía, cây bắp làm thức ăn cho bò. Anh Đinh Văn Xuân (làng Môn, xã Yang Bắc), một trong những hộ thanh niên tham gia dự án, cho biết: “Trước đây, bò nhà mình chỉ thả rông, đến mùa khô thì không có nguồn thức ăn. Nhờ có dự án của Đoàn Thanh niên, mình được học kỹ thuật chăn nuôi và trồng cỏ, đàn bò của mình béo tốt hơn và đang sinh sản lứa thứ hai. Mình và các thanh niên khác cũng được các cán bộ chuyển giao kỹ thuật trồng mía, đời sống của nhiều hộ thanh niên đỡ vất vả hơn trước”.
Tương tự dự án ở xã Yang Bắc (huyện Đak Pơ), trong 2 năm (2014-2015), dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” tại xã Ia Mláh (huyện Krông Pa) cũng được xem là mô hình mẫu trong việc giải quyết việc làm cho đoàn viên thanh niên ở địa phương. Dự án được triển khai với tổng số vốn gần 600 triệu đồng do Công ty cổ phần Siam Brothers Việt Nam tài trợ cho 10 hộ thanh niên dân tộc thiểu số với 10 ha mía cao sản; các hộ thanh niên đều được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc trừ sâu... Kết quả, năng suất đạt 60-80 tấn mía/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi hộ có thu nhập từ 30-40 triệu đồng. Anh Kpă Tâm-Phó Bí thư Huyện đoàn Krông Pa chia sẻ: “Sau khi dự án kết thúc, những người tham gia mô hình đều nắm bắt được quy trình kỹ thuật, có đầy đủ cơ sở vật chất, thuận lợi hơn trong việc tiếp tục mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Dự án cũng tạo việc làm thêm cho nhiều lao động thanh niên ở địa phương và là tiền đề để các hộ gia đình lân cận, các xã khác của huyện tiếp tục nhân rộng”.
Có thể thấy, sau thời gian triển khai thực hiện chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho thanh niên địa phương, các dự án đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo đoàn viên thanh niên. Các mô hình của dự án đã đem lại hiệu quả, mang lại một triển vọng mới cho những vùng đất khó; tạo động lực, môi trường mới để thanh niên chủ động, mạnh dạn hơn trên con đường lập thân, lập nghiệp, mạnh dạn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Phan Lài