Đây là mô hình điểm đầu tiên của huyện nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, góp phần hạn chế vi phạm và kéo giảm tai nạn giao thông.
Xã Đông nằm ở vùng cửa ngõ ra vào trung tâm huyện Kbang, nơi có tỉnh lộ 669, đường Trường Sơn Đông chạy qua với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về trật tự ATGT. Kết quả khảo sát cho thấy, hệ thống biển báo giao thông trên địa bàn xã chưa đầy đủ, đèn chiếu sáng trên đường còn thiếu, các hộ dân còn lấn chiếm hành lang đường bộ để buôn bán.
Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân chưa cao. Tình trạng vi phạm nồng độ cồn, chở hàng vượt tải trọng, tránh vượt sai quy định còn xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Do vậy, mô hình “Xã ATGT” nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
Bà Huỳnh Thị Thùy Linh-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 4-cho biết: Là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng và hoạt động của mô hình “Xã ATGT”, bà cùng các thành viên Tổ ATGT thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở số thanh-thiếu niên hay tụ tập chạy xe máy rú ga, nẹt pô hoặc không đội mũ bảo hiểm.
“Đối với những thanh-thiếu niên càn quấy nhưng nhắc nhở nhiều lần vẫn không thay đổi, chúng tôi đề nghị Công an xã phối hợp gọi hỏi, răn đe, giáo dục. Nhờ đó, tình trạng điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ cho phép, chở quá số người quy định hay rú ga, nẹt pô... đã dần được hạn chế”-bà Linh nêu kết quả.
Tương tự, công tác đảm bảo trật tự ATGT cũng được Chi bộ thôn 1 đưa vào nghị quyết thực hiện hàng tháng, đồng thời yêu cầu đảng viên gương mẫu thực hiện. Bà Đinh Thị Hoan-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 1-cho biết: “Qua các buổi họp thôn, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân.
Bên cạnh đó, Tổ tự quản còn phân công thành viên phụ trách từng nhóm hộ, chủ động phối hợp với Công an viên nắm bắt, lập danh sách để theo dõi, nhắc nhở số thanh-thiếu niên thường xuyên có biểu hiện vi phạm trật tự ATGT. Cách làm này đã từng bước làm thay đổi nhận thức của thanh-thiếu niên, tình hình vi phạm pháp luật về giao thông cũng giảm đáng kể”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đăng Chung-Chủ tịch UBND xã Đông-khẳng định: Tuy mô hình mới thành lập vào tháng 8-2024 nhưng đã mang lại nhiều thay đổi tích cực đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn. Kết quả rõ nét nhất là sự vào cuộc chủ động của cán bộ các thôn, làng trong việc tuyên truyền, phát hiện các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT để tổ chức giáo dục và đề nghị lực lượng Công an gọi hỏi, răn đe, xử lý.
Đáng chú ý, các thôn, làng cũng chủ động lập danh sách những trường hợp thường xuyên vi phạm trật tự ATGT để các cơ quan chức năng có biện pháp giáo dục, răn đe.
Đồng thời, chủ động rà soát các khu vực, đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông hay cần sửa chữa, lắp đặt biển báo hiệu giao thông, đèn chiếu sáng để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.
Cũng theo Chủ tịch UBND xã Đông, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể xã khi trở thành thành viên Ban Chỉ đạo mô hình đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, nhất là đối tượng thanh-thiếu niên.
“Việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng nhân dân tham gia đảm bảo trật tự ATGT đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, từng bước xây dựng văn hóa giao thông an toàn trên địa bàn”-Chủ tịch UBND xã Đông khẳng định.
Trong khi đó, ông Phạm Thành Nhân-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT huyện Kbang-thông tin: Mô hình “Xã ATGT” được xây dựng với mục đích huy động sự chung tay của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền xã Đông nhằm đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT cho người dân.
Từ đó, hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Với những kết quả thiết thực, mô hình “Xã ATGT” đã góp phần xây dựng văn hóa giao thông từ địa bàn cơ sở nên cần được tiếp tục duy trì và nhân rộng ra toàn huyện.