TN - Đất & Người

Hiệu quả từ cách trồng cà phê thả ngọn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cà phê được trồng với mật độ dày, không bấm ngọn, thu hoạch bằng cách cắt bỏ cành đã đậu quả. Cách làm này giúp anh Đinh Văn Việt ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tăng thu nhập lên gấp đôi so với truyền thống.
Anh Việt quê Nam Định, vào thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia, lập nghiệp từ năm 2008. Ban đầu, anh mua 2,7 ha đất đã có sẵn cà phê, cao su để canh tác. Anh chủ yếu chăm vườn cây theo kiểu học hỏi kinh nghiệm của người dân địa phương.
Sau một thời gian, anh Việt nhận thấy cách làm truyền thống không hiệu quả, chi phí đầu tư sản xuất lớn. Trăn trở mãi với điều này, rồi anh Việt quyết định thử trồng cà phê thả ngọn theo cách một số người đã áp dụng.
Rẫy cà phê của anh phát triển rất mạnh, mỗi cây cao hơn 2m, đẻ nhiều thân. Mật độ rẫy cà phê của anh là 2.000 cây/ha, dày gấp 2 lần so với cách trồng thông thường. Cà phê khi bước vào vụ thu hoạch, thay vì hái quả, anh Việt thuê nhân công cắt toàn bộ cành có quả rồi đưa vào máy tuốt.
Anh Việt cho biết, trồng cà phê thả ngọn mang nhiều ưu điểm vượt trội, năng suất cao hơn nhiều so với cách làm truyền thống nhờ số lượng thân trong 1 gốc nhiều. Tán cà phê phía dưới gốc được cắt, nên thoáng và thuận lợi trong quá trình chăm sóc, không tốn công cắt cành sau mỗi vụ thu hoạch.

Vườn cà phê thả ngọn của anh Việt rất nhiều quả, đạt năng suất gấp 2 lần so với thông thường
Vườn cà phê thả ngọn của anh Việt rất nhiều quả, đạt năng suất gấp 2 lần so với thông thường
Mỗi năm, nông dân chỉ cắt cỏ 1 - 2 đợt và không cần hoặc tưới rất ít nước vào mùa khô vì cây tạo bóng tốt. Với mật độ 2.000 cây/ha, tỉ lệ độ che phủ lớn, nên rẫy cà phê hầu như không phải làm cỏ.
Theo kinh nghiệm của anh Việt, để cà phê thả ngọn mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng cần lưu ý mật độ cây và số lượng thân của mỗi gốc. Người trồng phải tính toán để có thể nuôi thân mới và cắt bỏ những thân quá cao một cách hợp lý để bảo đảm năng suất, hiệu quả cao nhất.
Anh Việt đầu tư máy tuốt cà phê để giảm chi phí thu hoạch. Anh chỉ cần một số người cắt cành cà phê có quả chín đưa vào máy tuốt là được. Cách thu hoạch này cũng giúp vườn cà phê hạn chế cành tăm. Khi thân cây cao tầm 4m, anh Việt sẽ cắt bỏ. Trước khi cắt bỏ, anh trừ thân thay thế trước đó 1 năm.
Anh Việt chia sẻ, trồng và thu hoạch cà phê theo cách này chưa phổ biến ở Việt Nam. Thế nhưng, ở một số nước tiên tiến, nhất là Brazil, cách sản xuất này đã có từ rất lâu. Sản xuất cà phê thả ngọn rất dễ áp dụng máy móc, cơ giới từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu tư, anh Việt thu hái cà phê có tỉ lệ quả chín cao, áp dụng quy trình hữu cơ. Anh Việt tự ủ phân vi sinh từ cá, phụ phẩm nông nghiệp để bón cho cây cà phê. So với cách trồng cà phê thông thường, mỗi năm, anh giảm được khoảng 40-50% chi phí đầu tư.
Với 14 ha cà phê đang áp dụng cách trồng thả ngọn, bình quân mỗi ha anh thu được 6 - 7 tấn cà phê nhân. Bên cạnh đó, trồng theo hình thức thả ngọn giúp anh Việt giảm được rất nhiều chi phí đầu tư, thu hoạch.
Bài, ảnh: Đức Hùng (Báo Đắk Nông)

Có thể bạn quan tâm