Kinh tế

Hiệu quả từ “thế kiềng ba chân” trong công tác giảm nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhân tổng kết 5 năm chương trình xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 2006-2010, phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Măng Đung, Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh về những thành công và hạn chế của công tác giảm nghèo.
* Ông nhận xét như thế nào về mức độ thành công trong công tác giảm nghèo tỉnh Gia Lai.
Ông Măng Đung: Trước hết, chúng ta ghi nhận tốc độ giảm nghèo của tỉnh trong 5 năm qua vượt với mục tiêu đề ra. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 14,32%, dự kiến đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 10,82% (Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 8-3-2007 Tỉnh ủy đề ra còn 14%).
Nhận thức về xóa đói giảm nghèo (XĐGN) và ý chí vươn lên làm giàu ngày càng được thấm sâu vào đội ngũ cán bộ và người dân. Nhiều tấm gương quyết tâm thoát nghèo vươn lên làm giàu xuất hiện ở hầu hết các địa phương. Đã tạo được phong trào XĐGN trong toàn xã hội theo phương châm xã hội hóa, thu hút sự tham gia của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức kinh tế, lực lượng vũ trang, cộng đồng, các tầng lớp dân cư... Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong XĐGN ngày càng được đề cao và có hiệu quả.
Làm đường nông thôn. Ảnh: K.N.B
Làm đường nông thôn. Ảnh: K.N.B
Cùng với tăng trưởng kinh tế cao và tương đối ổn định, hàng loạt các chủ trương, chính sách XĐGN của Đảng và Nhà nước được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương với sự hỗ trợ đầu tư của nhiều nguồn kinh phí nên đã cải thiện đáng kể diện mạo các vùng trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã có sự thay đổi rõ rệt, nhất là về hạ tầng cơ sở phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa.
Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% xã có trạm y tế, 100% xã có lưới điện quốc gia, trên 85% làng có điện và 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số dùng điện, 100% xã có nhà bưu điện văn hóa xã, 80% hộ dùng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ nghe đài phát thanh và truyền hình đạt trên 75%, công tác giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường đạt trên 95%, chất lượng dạy và học năm sau cao hơn năm trước, đời sống tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố và tăng cường, lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đối với Đảng và Nhà nước được củng cố và tăng cường, công tác cán bộ đối với vùng dân tộc thiểu số thường xuyên quan tâm trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, hệ thống chính trị cơ sở từng bước được củng cố để đủ sức giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên đáng kể. Tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, hoạt động tôn giáo tiếp tục giữ vững ổn định..., góp phần tích cực trong phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh- quốc phòng.
Những kết quả trên cho thấy, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chương trình giảm nghèo là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, thu hút các tầng lớp tích cực tham gia, công tác giảm nghèo luôn được coi trọng và đạt kết quả khả quan, nhiều dự án giảm nghèo được xây dựng và triển khai, các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, cơ sở hạ tầng được tăng cường đáng kể, đời sống người nghèo được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung hiệu quả chương trình mục tiêu giảm nghèo đáng ghi nhận, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước đã được tăng cường.

Tuy nhiên, trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần khắc phục là: Cơ cấu kinh tế còn chuyển dịch chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn lớn, việc chuyển dịch cơ cấu lao động chưa gắn chặt với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập bình quân đầu người nhìn chung còn thấp.
Thành quả giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao, một số chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo đạt hiệu quả thấp, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn. Nhận thức của một bộ phận người nghèo về chương trình chưa đầy đủ, còn ỷ lại vào nhà nước, không muốn thoát nghèo để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Cá biệt, có một số đối tượng lười lao động chưa có biện pháp giải quyết, chưa có chủ trương, chính sách kích thích, động viên người nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tránh thụ động tạo gánh nặng cho nhà nước.
Việc đầu tư cho chương trình thiếu tập trung, còn dàn trải, nhất là về cơ sở hạ tầng, một số công trình có quy mô không phù hợp với điều kiện thực tế ở mỗi địa phương, hiệu quả sử dụng thấp, chất lượng chưa cao và còn lãng phí, thiếu sự tham gia quản lý của người dân. Cơ chế quản lý chương trình còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ chuyên trách ở cơ sở, năng lực trình độ cán bộ chưa đều, chưa đáp ứng được yêu cầu, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến chương trình, công tác điều hành còn lúng túng. Việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình phần lớn các địa phương chủ yếu dựa vào nguồn lực của cấp trên, chưa vận động sự đóng góp của cộng đồng, trách nhiệm của dòng tộc và huy động nguồn nội lực.
* Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ chương trình giảm nghèo của cả hệ thống chính trị sắp đến như thế nào, thưa ông?
Ông Măng Đung: Chương trình giảm nghèo luôn được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội; các chính sách phát triển kinh tế- xã hội đều hướng về người nghèo, xã nghèo. Việc thực hiện chương trình giảm nghèo là vấn đề cấp bách của toàn xã hội, phải được triển khai thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai lần thứ XIV đề ra. Chương trình giảm nghèo phải đặt trong tổng thể, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh; phải có sự phối hợp, lồng ghép chặt chẽ với các chương trình kinh tế- xã hội khác và có bước đi thích hợp để phát huy hiệu quả.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Quan điểm của Đảng và Nhà nước phải được thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, dự án, kế hoạch cụ thể hàng năm và huy động toàn xã hội, cộng đồng tập trung nguồn lực để đầu tư thực hiện chương trình. Chú trọng huy động nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác hỗ trợ giúp đỡ của các tổ chức kinh tế-xã hội nhằm đảm bảo tính xã hội hóa cao, ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn nhất và đối tượng khó khăn nhất. Bất kỳ lúc nào, ở đâu cũng phải quán triệt thế kiềng ba chân trong công tác giảm nghèo: Đó là bản thân đối tượng, cộng đồng và nhà nước.
Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò, sức mạnh của cộng đồng và quyết tâm vươn lên của chính người nghèo, Nhà nước luôn quan tâm và hỗ trợ ở mức tối đa. Mặt khác phải tranh thủ sự giúp đỡ các nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ cho mục tiêu giảm nghèo.
Đối với công tác hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất, thoát nghèo cần phải: Mở các lớp tập huấn công tác khuyến nông, khuyến lâm riêng cho hộ nghèo về cách thức làm ăn, kết hợp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội bằng hình thức tín chấp với mức vay thỏa đáng và phù hợp với từng chu kỳ sản xuất cây trồng, vật nuôi mà người nghèo đầu tư sản xuất, phân công cụ thể từng hội viên của đoàn thể làm ăn khá trực tiếp giúp đỡ các hộ nghèo, phát huy tính cộng đồng tại các thôn, làng. Các hộ lười lao động, đông người thì giao trực tiếp cho các đoàn thể giáo dục, giúp họ tự vươn lên. Tổ chức giao việc cho từng hộ, tạo điều kiện để các hộ này tham gia lao động từ các công trình của nguồn vốn 135. Tổ chức vận động sinh đẻ có kế hoạch cho tất cả đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, ở các xã nghèo...
* Xin cảm ơn ông!
Phương Uyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm