Kinh tế

Hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân đều có chủ thể là dân doanh nhưng hình thức, phương thức hoạt động có khác nhau. Những hộ kinh doanh cá thể nếu đủ điều kiện sẽ dễ dàng chuyển đổi thành doanh nghiệp tư nhân; ngược lại, không có doanh nghiệp tư nhân nào lại chuyển thành hộ kinh doanh cá thể. Điều đó nói lên rằng, doanh nghiệp tư nhân là một hình thức cao hơn so với hộ kinh doanh cá thể.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhưng vì sao nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa muốn vươn lên doanh nghiệp tư nhân? Có thể là vì nhiều hộ kinh doanh cá thể chưa đủ nội lực. Và như thế, phải bình tĩnh chờ đợi sự phát triển của họ, tới khi nào đủ điều kiện, có thể làm ăn lớn hơn, tự họ sẽ chuyển đổi mô hình kinh doanh. Yếu tố nội lực trong vấn đề chuyển đổi này vì vậy là quan trọng nhất. Tuy nhiên, kinh doanh là một tiến trình tự vươn lên. Một khi tự thấy đã đủ điều kiện để có thể kinh doanh lớn hơn, vươn ra mở chi nhánh, được ưu đãi để vay vốn làm ăn lớn thì mô hình doanh nghiệp sẽ là lựa chọn tất yếu đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ.

Quá trình từ sông suối ra biển lớn là cả một câu chuyện dài, không thể nóng vội, nhưng cũng không thể tự đánh mất thời cơ để phát triển. Có những hộ cá thể khi chuyển đổi mô hình kinh doanh đúng thời điểm sẽ nhanh chóng phát triển ở mô hình doanh nghiệp tư nhân. Và với cung cách làm ăn mới, mạnh mẽ hơn, có tầm nhìn xa hơn, liên kết và tìm kiếm được nhiều cơ hội hơn, nhận được chính sách ưu đãi nhiều hơn, họ sẽ phát triển rất nhanh. Nhưng nếu “lẩy bẩy như Cao Biền dậy non”, nghĩa là phát triển lớn sớm hơn thực lực của mình thì nhiều hậu quả, nhiều rủi ro cũng sẽ theo đến. Những cú “dậy non” như thế dễ kèm theo những đổ vỡ, thậm chí dẫn tới phá sản.

Nhưng ngược lại, nếu không nhạy bén chớp thời cơ cùng với nội lực của mình để phát triển lên một mô hình kinh doanh lớn hơn thì trong điều kiện những “đại gia” nước ngoài đang thâu tóm thị trường bán lẻ ở Việt Nam hiện nay, các hộ kinh doanh cá thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hộ sẽ không còn giữ được độc lập kinh doanh nữa mà phải chấp nhận làm đại lý nhỏ theo mô hình chuỗi cho những “ông lớn”. Làm đại lý nhỏ theo chuỗi cũng tốt, miễn là kinh doanh phát triển.

Nhưng nếu vì những lý do nào đó mà mình không kiểm soát được, những “chuỗi” kinh doanh đó làm ăn không hiệu quả thì đại lý sẽ phải chịu những rủi ro ngoài ý muốn. “Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” là đúng nhưng một khi phải chấp nhận cạnh tranh thì “chuột nhỏ” cũng có thể không tới tay “mèo nhỏ”. Đó là một thực tế trong kinh doanh cạnh tranh ở tầm mức toàn cầu như hiện nay. Vì thế, cần thận trọng khi muốn chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng cũng phải vận dụng nội lực để tự mình vươn lên; khi đủ điều kiện chuyển đổi thì tìm cơ hội để chuyển đổi.

Những doanh nghiệp tư nhân không phải không chịu nhiều rủi ro. Tuy nhiên, họ được Nhà nước hỗ trợ, được ngân hàng ưu đãi hơn khi vay vốn và họ tìm được nhiều cơ hội kinh doanh hơn, thiết lập được những mô hình kinh doanh có tầm mức lớn hơn, với điều kiện phải quản trị được. Cái thiếu nhất ở những doanh nghiệp tư nhân hiện nay là khả năng quản trị. Nói tới khả năng này thì phải nói tới con người quản trị, mà trong giới kinh doanh gọi là CEO. Thật không dễ để tìm được những CEO giỏi và có tầm nhìn chiến lược nhưng đồng thời biết xử lý những vấn đề “chiến thuật” một cách hiệu quả. Nếu ví doanh nghiệp như một đội bóng đá thì vị trí “ông chủ” kinh bang tế thế dĩ nhiên là rất cần. Tuy nhiên, nếu không có “huấn luyện viên” là CEO giỏi thì đội bóng rất khó “lên hạng”, chưa nói tới việc giành ngôi vô địch.

“Sân chơi” càng lớn thì thách thức càng nhiều, nhưng cơ hội cũng nhiều hơn. Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ hiện nay có thể ví như những đội bóng phường xóm chỉ quen chơi ở những sân mi ni cỏ nhân tạo. Dĩ nhiên, đó vẫn là điều rất tốt, kể cả trong bóng đá và trong kinh doanh. Nhưng để phát triển lên, mở rộng quy mô cùng lợi nhuận thì mô hình kinh doanh doanh nghiệp sẽ có những lợi thế nhiều hơn. Miễn là ta phải có đủ nội lực để chơi ở sân chơi lớn hơn.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm