Chính trị

Tin tức

Hồ sơ cán bộ đi B... vẫn đợi ngày về

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, nhiều cán bộ từ miền Nam tập kết ra miền Bắc để học tập, công tác. Sau đó, theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, từ năm 1959 đến trước 1975, họ lại cùng những cán bộ ở miền Bắc tình nguyện vào Nam chiến đấu, hoạt động. Đó là những cán bộ đi B.

Dấu ấn một thời hào hùng

Hiện nay, Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh vẫn đang bảo quản, lưu giữ hồ sơ của những chiến sĩ tham gia đi B như đồng chí Y Lưh (bí danh Y Lĩnh, Lang Y Pân, sinh năm 1934, dân tộc Bahnar, quê quán theo địa danh trước đây là xã Gia Ma Canh, huyện Đak Bớt, tỉnh Gia Lai). Đồng chí lên đường nhập ngũ tháng 4-1952, thuộc đơn vị C7-D3, Trung đoàn 120, Quân khu 4. Sau thời gian cống hiến và phục vụ trong quân đội, đồng chí được phục viên và được giới thiệu về Ban Thống Nhất Trung ương từ tháng 12-1960, khi ấy  đồng chí là sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong hồ sơ còn có nhiều huân, huy chương, thẻ cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, bằng y tá…

 

Bộ phận quản lý hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: T.N
Bộ phận quản lý hồ sơ, kỷ vật của cán bộ đi B tại Kho lưu trữ lịch sử tỉnh. Ảnh: T.N

Có những học sinh nữ cũng tham gia đi B như đồng chí Hà Thị Minh Nguyệt (bí danh Thùy Dương, sinh năm 1943, quê quán trước đây là làng Châu Thành, tổng Mang Giang, huyện Tân An, tỉnh Công Tum). Năm 1955, đồng chí tập kết ra miền Bắc học tập. Cha mẹ đồng chí đều là đảng viên và tham gia kháng chiến. Tháng 9-1965, khi sắp tốt nghiệp Trường Trung cấp Kỹ thuật Thương nghiệp thuộc Bộ Nội thương, theo sự điều động, đồng chí tạm dừng việc học tập để lên đường đi B công tác...

Bên cạnh đó, có những cán bộ tham gia đi B như đồng chí Nguyễn Kỳ Tâm (tên khai sinh Nguyễn Văn Cầm, bí danh là Đồng, sinh năm 1930, quê quán xã Tân An). Đồng chí tập kết ra Bắc tháng 12-1954, được học tập ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, tốt nghiệp Kỹ sư Kinh tế luyện kim. Đồng chí có quá trình cống hiến nhiều năm liên tục và giữ nhiều chức vụ, sau đó đi B tháng 3-1973, khi đang là Trưởng phòng Kế hoạch Công ty Phế liệu Kim khí Hà Nội của Tổng Công ty Kim khí, Bộ Vật tư. Quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí được khen thưởng nhiều huân, huy chương và được xác định là thương binh loại 4 vĩnh viễn…

Cũng có những giáo viên tham gia đi B như đồng chí Kpă Ing (bí danh là Tượng, sinh năm 1938, dân tộc Jrai, quê quán theo địa danh trước đây là thôn Plơi Kueng, xã Sok, huyện Cuty, tỉnh Gia Lai). Tháng 10-1954, đồng chí tập kết ra Bắc học tập và tốt nghiệp sư phạm, về làm giáo viên khoa tự nhiên tại Trường Dân tộc Trung ương. Cũng như bao người con nước Việt, Kpă Ing có nguyện vọng được tham gia chiến đấu để giành lại hòa bình, độc lập cho Tổ quốc. Dẫu biết rằng con thơ dại, vợ một mình nuôi dạy con nhưng đồng chí quyết lên đường đi B, chiến đấu ở chiến trường miền Nam… Trong hồ sơ của  đồng chí Kpă Ing còn lưu lại bức thư gửi người thân, có đoạn: “Mơ ước của tôi từ trước đến bây giờ: Một là đi công tác B, hai là tình nguyện đi tòng quân và đi giải phóng quân. Sức khỏe bảo đảm và tôi sẽ làm tròn nhiệm vụ của Đảng, của Cách mạng giao”.  Chúng tôi càng cảm động sâu sắc hơn bởi cuối bộ hồ sơ là giấy chứng nhận đồng chí đã hy sinh tại B9 huyện 4 (cũ) Gia Lai trong khi đi công tác bị địch phục kích, cùng bằng Tổ quốc ghi công ngày 17-5-1968.

Nhiều hồ sơ chưa được chuyển trả
 
Lật từng trang hồ sơ, tài liệu của cán bộ đi B, chúng tôi càng thấm thía và cảm phục sâu sắc về quá trình hoạt động, cùng những cống hiến, hy sinh ở tuổi thanh xuân của họ. Họ là những tấm gương cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Được biết, sau ngày thống nhất đất nước, toàn bộ hồ sơ, tài liệu và kỷ vật của những người đi B được chuyển về Ban Tổ chức Trung ương. Qua nhiều thời kỳ, số hồ sơ, tài liệu này tiếp tục chuyển giao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I quản lý, sau đó lại được chuyển về cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hồ sơ cán bộ đi B đã được tập hợp và bảo quản công phu, chu đáo. Đồng thời được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia rà soát, phân nhóm, sao lưu... và gửi chuyển về cho các tỉnh, thành phố trong cả nước (qua Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh) để trao trả trong những năm gần đây.

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Hồ Văn Trình cho biết: “Riêng tại Gia Lai, ngoài một số hồ sơ đã được chuyển trả, tại Chi cục còn bảo quản 135 bộ hồ sơ cán bộ đi B, tuy nhiên đến nay vẫn chưa tìm được địa chỉ để chuyển trả”. Giải thích về vấn đề tồn tại này, ông Hồ Văn Trình nhấn mạnh: “Sau ngày đất nước thống nhất, phần lớn cán bộ đi B đã thay đổi nơi cư trú nên không có điều kiện tìm lại hồ sơ giấy tờ của mình. Ngoài ra, nhiều đồng chí đã hy sinh trong chiến tranh, hoặc đã mất sau hòa bình. Do những khó khăn khách quan ấy nên hiện nay, Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh vẫn chưa tìm ra được các thông tin, địa chỉ liên quan về người thân, gia đình của họ để mời nhận, chuyển trả hồ sơ, tài liệu...”.

Ông Hồ Văn Trình cũng mong rằng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cán bộ hoặc thân nhân cán bộ đi B tại tỉnh Gia Lai, cùng các tỉnh thành khác có thể chủ động liên hệ với Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh Gia Lai-thuộc Sở Nội vụ (địa chỉ 03 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku), hoặc qua số điện thoại 01633344779 để được tư vấn, hỗ trợ, sớm nhận lại hồ sơ. Đó cũng là niềm trăn trở, mong mỏi lớn nhất của đội ngũ cán bộ, nhân viên Chi cục Văn thư-Lưu trữ tỉnh, Kho Lưu trữ lịch sử tỉnh, để góp phần cùng với địa phương và cả nước thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với người có công trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm