Thời sự - Bình luận

Hỗ trợ cần kịp thời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tình cảnh nhiều giáo viên hết sức ngặt nghèo khi mất việc làm vì dịch Covid-19. Có người không lo được bữa cơm tươm tất cuối cùng cho cha mẹ, người mong bữa ăn có thịt cá, người chỉ dám cho con uống sữa khi con quá thèm...
 

Dịch Covid-19 tác động nặng nề đến đời sống mọi người, trong đó có cả giáo viên. Chỉ tính riêng TP.HCM, đợt dịch này có hơn 12.000 người trong lĩnh vực giáo dục bị mất việc.

Con số này khiến chúng ta trăn trở. Càng trăn trở hơn khi giáo viên không có bất kỳ thu nhập nào trong nhiều tháng nay.Theo thống kê, trong số hơn 12.000 giáo viên, nhân viên ngành giáo dục mất việc tại TP.HCM, trên 83% là giáo viên mầm non, chủ yếu ở các cơ sở ngoài công lập, những người giữ trẻ ở khu công nghiệp...

Từ các đợt dịch trước, giáo viên mầm non đã bị ảnh hưởng nặng nề và tìm mọi cách để mưu sinh bằng nhiều việc khác nhau. Đến đợt dịch này, do giãn cách xã hội siết chặt, họ gần như không có cơ hội tìm công việc khác cộng thêm những ly tán, mất mát vì dịch nên cuộc sống như nhiều giáo viên thừa nhận: “Chưa bao giờ khốn khó đến vậy”. Với tình hình dịch bệnh ở TP.HCM, học sinh các cấp học khác còn có thể học trực tuyến chứ trẻ mầm non thì không biết bao giờ mới đến trường nên các giáo viên, nhân viên này sẽ còn nhiều khó khăn.

Thực tế đã vậy nhưng càng buồn hơn khi biết rằng quá trình triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên, người lao động gặp nhiều khó khăn vì thủ tục. Vì vậy, nhiều người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa nhận được trợ cấp dù đã mất việc làm từ tháng 5 đến nay.

Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, chỉ ra những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình xét duyệt hồ sơ. Chẳng hạn hồ sơ đề nghị trợ cấp yêu cầu nhiều loại giấy tờ như bản sao chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu, chứng minh người lao động đang mang thai... Việc xác nhận các giấy tờ nêu trên là rất khó khăn do TP.HCM thực hiện giãn cách nhiều tháng nay.

TP.HCM đang trải qua khoảng thời gian không bình thường vì dịch bệnh. Vậy tại sao những thủ tục này không được thực hiện trong hoàn cảnh “bình thường mới”, thích nghi với tình hình hiện nay? Mọi thứ từ mua bán, học hành... đều đã có thể thực hiện qua trực tuyến hoặc nhiều cách khác nhau, vậy tại sao còn vịn vào những thủ tục hành chính này để “hành” nhau, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh, ai nấy đều quá nhiều lo toan? Trong lúc các giáo viên đang trong tình cảnh ngặt nghèo, cần sự hỗ trợ hơn bao giờ hết thì họ lại gặp những cản trở vì thủ tục.

Bên cạnh nhà nước, một số tổ chức cũng thực hiện hỗ trợ cho giáo viên mầm non tư thục nhưng họ linh động hơn trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn cũng có bước yêu cầu nhà trường xác nhận, nhưng trong những trường hợp cấp bách họ sẵn sàng bỏ qua, điện thoại trao đổi trực tiếp, thấy giáo viên đúng hoàn cảnh cần hỗ trợ, họ sẽ giải ngân.

Hỗ trợ khi đúng lúc mới thật sự có giá trị. Hàng ngàn giáo viên trong hoàn cảnh hết sức khó khăn vẫn đang trông chờ chính sách hỗ trợ của nhà nước ngay khi họ cần nhất, đau thương nhất chứ không phải đợi đến lúc mọi chuyện đã qua rồi mới được tiếp nhận.

 

Theo NHIÊN AN (TNO)

Có thể bạn quan tâm