Thời sự - Sự kiện

Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho hộ nghèo: Vướng mắc cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng việc triển khai Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Dự án mang ý nghĩa nhân văn

Theo thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh, triển khai Dự án 1 giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 3.425 hộ được hỗ trợ nhà ở (mỗi hộ được ngân sách trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng, ngân sách tỉnh 4 triệu đồng và được vay thêm 40 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội); 1.162 hộ được hỗ trợ đất ở (ngân sách trung ương hỗ trợ 44 triệu đồng, người dân được vay vốn ưu đãi 50 triệu đồng); 11.590 hộ được hỗ trợ đất sản xuất (ngân sách trung ương hỗ trợ 22,5 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn ưu đãi 77,5 triệu đồng) và 6.463 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề (ngân sách trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng và được vay vốn ưu đãi không quá 100 triệu đồng) và hàng ngàn hộ được hỗ trợ về nước sinh hoạt.

Ông Trường Trung Tuyến-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh-cho hay: Qua rà soát, năm 2022, toàn tỉnh vẫn còn 38.550 hộ nghèo (chiếm 10,06%, trong đó, 34.387 hộ nghèo là người DTTS) và 37.253 hộ cận nghèo (chiếm 9,72%, trong đó, 28.565 hộ cận nghèo là người DTTS); 6.710 hộ thiếu nhà ở, 2.545 hộ thiếu đất ở, 8.659 hộ thiếu đất sản xuất. Vì thế, việc triển khai Dự án 1 có ý nghĩa rất thiết thực đối với các hộ đồng bào DTTS nghèo, đặc biệt là đối với những hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, nhà ở, khó khăn về nước sinh hoạt, giúp họ vơi bớt khó khăn, yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”.

Cùng với nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ nghèo tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) đã vay mượn thêm để làm nhà ở khang trang. Ảnh: H.T

Cùng với nguồn vốn do Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ nghèo tại thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai) đã vay mượn thêm để làm nhà ở khang trang. Ảnh: H.T

Ông Trương Thế Vinh-Trưởng phòng Dân tộc huyện Ia Grai-cho hay: Trong 2 năm (2022-2023), huyện có 43 hộ được hỗ trợ nhà ở, 16 hộ được hỗ trợ đất ở, 32 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 182 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, 110 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Đến nay, việc triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt phân tán đã hoàn thành kế hoạch đề ra. Nhờ được hỗ trợ, nhiều hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố; đồng thời, nâng cao nhận thức trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Thái Văn Ngự-Chủ tịch UBND thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai): Nhờ triển khai Dự án 1, thị trấn có 11 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở, 39 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng nhà ở khang trang và đầu tư phát triển sản xuất để cải thiện thu nhập.

Là hộ được thụ hưởng từ dự án, bà Nip (làng Yam, thị trấn Ia Kha) phấn khởi cho biết: “Được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng, gia đình tôi vay mượn thêm gần 140 triệu đồng để xây dựng căn nhà rộng rãi. Từ nay, gia đình tôi không còn lo nhà bị dột vào mùa mưa nữa và sẽ cố gắng làm ăn để sớm vươn lên thoát nghèo”.

Bà Níp (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cùng con cháu ngồi bên căn nhà khang trang vừa được hỗ trợ xây dựng. Ảnh: H.T

Bà Níp (làng Yam, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cùng con cháu ngồi bên căn nhà khang trang vừa được hỗ trợ xây dựng. Ảnh: H.T

Tương tự, bà Trương Thị Hải Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao (huyện Ia Grai) cũng cho hay: Trong 2 năm (2022-2023), xã có 3 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, 39 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, 13 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Trong đó, việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề đã giúp người nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, các hộ còn chủ động vay thêm vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng lúa, cà phê.

Anh Rơ Châm Thak (làng Dút 1, xã Ia Sao) bộc bạch: “Nhà tôi có 5 người, cuộc sống chỉ trông chờ vào hơn 200 cây cà phê và 1 sào lúa nước nên rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, vợ chồng tôi vay thêm vốn để mua heo về nuôi. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc đàn heo thật tốt để cải thiện thu nhập”.

Còn tại huyện Chư Păh, việc triển khai Dự án 1 cũng đã góp phần giúp người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống. Trưởng phòng Dân tộc huyện Luyện Văn Toàn thông tin: Trong 2 năm (2022-2023), huyện được cấp trên 10,66 tỷ đồng để hỗ trợ nhà ở cho 206 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 30 hộ, chuyển đổi ngành nghề cho 11 hộ, hỗ trợ nước phân tán cho 247 hộ. Đến nay, huyện đã hoàn thành xây dựng 118 căn nhà, số nhà còn lại đang thực hiện. Việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nước phân tán và hỗ trợ đất sản xuất cũng đang được triển khai.

Ông Rơ Châm Tâm-Chủ tịch UBND xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) cho hay: Năm 2022 và 2023, toàn xã có 57 hộ được hỗ trợ nhà ở, 30 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 1 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và nhiều hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Vốn là xã vùng III, cuộc sống của phần lớn bà con còn khó khăn nên khi được hỗ trợ, các hộ rất phấn khởi.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều địa phương cũng đang gặp khó khăn trong thực hiện Dự án 1, đặc biệt là việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở. Theo thông tin từ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku, trong 2 năm (2022-2023), thành phố có 28 hộ được hỗ trợ nhà ở, 7 hộ được hỗ trợ đất ở, 25 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 52 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, 56 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt.

Qua rà soát, các nội dung hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề và nước sinh hoạt có khả năng hoàn thành theo kế hoạch. Tuy nhiên, nội dung hỗ trợ về nhà ở, đất ở và đất sản xuất gặp một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc hỗ trợ đất ở và đất sản xuất không thực hiện được do các địa phương không có quỹ đất và số tiền hỗ trợ thấp, không đủ để nhận chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất.

Đối với việc hỗ trợ xây dựng nhà ở thì tỷ lệ giải ngân đạt thấp do một số hộ chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy tờ đất là đất trồng cây lâu năm, không có tiền thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất; một số trường hợp không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không đủ điều kiện tách thửa; chưa đủ cơ sở pháp lý thực hiện, thời gian hoàn thiện thủ tục giấy tờ kéo dài dẫn đến chậm tiến độ.

Ông Dương Xuân Hồng-Phó Chủ tịch UBND xã Gào (TP. Pleiku) cho biết: Thực hiện Dự án 1, năm 2022 và 2023, xã có 9 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 7 hộ được hỗ trợ đất ở, 5 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở và 1 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, sau khi rà soát, xã không thể thực hiện việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất do không có quỹ đất để bố trí; trường hợp các hộ có nhu cầu tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì mức hỗ trợ thấp nên không đủ khả năng tài chính. Riêng đối với nội dung hỗ trợ xây dựng nhà ở, một số hộ có hoàn cảnh khó khăn nên khó xoay xở về nguồn đối ứng.

Nhiều hộ dân ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) gặp khó khăn về kinh phí xây dựng nhà ở. Ảnh: H.T

Nhiều hộ dân ở xã Ia Kênh (TP. Pleiku) gặp khó khăn về kinh phí xây dựng nhà ở. Ảnh: H.T

Tương tự, bà Phan Thị Hồng My-công chức Văn hóa-Xã hội xã Ia Kênh (TP. Pleiku) thông tin: “Xã có 7 hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Để hoàn thành căn nhà, mỗi hộ tốn khoảng 2-3 triệu đồng làm thủ tục giấy phép xây dựng, hóa đơn thanh toán mua vật liệu. Ngoài ra, hộ xây nhà bắt buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng qua rà soát có 2 hộ đang sử dụng đất nông nghiệp, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phí rất cao, người dân không có khả năng”.

Bà Rơ Măh Mek (làng Mơ Nú, xã Ia Kênh) bộc bạch: “Nghe tin được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà, tôi mừng lắm. Tôi đã vay mượn thêm 40 triệu đồng nhưng vì phải tốn thêm khoảng 25 triệu đồng chuyển đổi sang đất ở cho 50 m2 nên tôi không đủ tiền để làm nhà. Tôi mong Nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để sớm xây nhà ở kiên cố”.

Còn Trưởng phòng Dân tộc huyện Ia Grai thì cho biết thêm: Hiện nay, nội dung hỗ trợ đất ở, đất sản xuất trên địa bàn huyện chưa triển khai được do quỹ đất của địa phương không còn, trong khi mức hỗ trợ đất sản xuất, đất ở còn thấp mà giá đất trên thị trường lại cao, người dân khó có thể đối ứng kinh phí.

Đề cập vấn đề này, ông Ngô Khôn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pếch (huyện Ia Grai) thông tin: “Xã có 2 hộ được hỗ trợ nhà ở và 14 hộ được hỗ trợ đất sản xuất. Riêng việc hỗ trợ đất sản xuất đang gặp khó do số tiền hỗ trợ ít nhưng giá đất trên thị trường lại rất cao, khoảng 100 triệu đồng/sào. Do đó, xã mong tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí để người dân có cơ sở thực hiện”.

Trao đổi với P.V về những khó khăn, vướng mắc, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Việc triển khai Dự án 1 gặp khó khăn chủ yếu ở nội dung hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất. Nguyên nhân là nguồn thu từ sử dụng đất của tỉnh bị hụt nên nguồn vốn hỗ trợ của địa phương bị chậm. Bên cạnh đó, do cuộc sống khó khăn nên khả năng đối ứng của người dân bị hạn chế. Trong đó, khó khăn nhất là việc hỗ trợ đất sản xuất vì hầu như các địa phương không còn quỹ đất để hỗ trợ.

Còn đối với việc hỗ trợ đất ở, vì mức hỗ trợ của trung ương thấp so với giá cả thị trường, một số huyện đã tuyên truyền, vận động người thân của hộ nghèo chuyển nhượng đất với giá rẻ nhưng lại vướng ở chỗ, đa số các hộ đồng bào DTTS không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sang nhượng và nhiều hộ không có tiền để làm trích lục đo đạc nhằm sang nhượng đất đai.

“Ban Dân tộc tỉnh đang phối hợp với các sở, ngành đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở và đất sản xuất cho người dân. Theo đó, đối với việc hỗ trợ đất ở, chúng tôi hướng dẫn các địa phương linh động trong việc điều chỉnh đưa diện tích đất của hộ nghèo vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm; đối với hỗ trợ đất sản xuất có thể chuyển đổi sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổng hợp kiến nghị của các địa phương tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương tăng mức hỗ trợ để tạo điều kiện triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ theo Dự án 1 hiệu quả hơn”-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm