Kinh tế

Hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2014 đến nay, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro đã triển khai hiệu quả nhiều tiểu dự án sinh kế, giúp hộ nghèo người dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm để từng bước vươn lên thoát nghèo.  

Theo anh Trang Châu Khoa-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro, sở dĩ tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao là bởi điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chậm thay đổi nếp nghĩ, cách làm; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi còn chậm và chưa có kế hoạch gieo trồng, chăn nuôi phù hợp… Tính đến cuối năm 2017, huyện Kông Chro còn 4.132 hộ nghèo (chiếm 37,37%), trong đó có 3.979 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 96,3%).  

 

Thu hoạch bắp ở làng Groi, xã Đak Tơ Pang. Ảnh: H.T
Thu hoạch bắp ở làng Groi, xã Đak Tơ Pang. Ảnh: H.T

Từ cuối năm 2014 đến nay, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo của huyện đã triển khai 68 tiểu dự án sinh kế thuộc hợp phần phát triển sinh kế bền vững. Các tiểu dự án trồng mía, chanh dây, bắp lai, lúa và chăn nuôi dê sinh sản, nuôi heo kết hợp trồng cây ăn trái, nuôi bò, nuôi heo rừng lai… đã góp phần không nhỏ giúp người nghèo có cơ hội vươn lên.

Đak Tơ Pang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro nhưng nay đã có sự đổi thay rõ rệt. Cuộc sống của người dân dần cải thiện, có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái học hành. Ông Trần Ngọc Cường-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Đak Tơ Pang, cho biết: Sau 5 năm thực hiện, dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã mỗi năm 7%, vượt kế hoạch đề ra. Nhờ dự án, các hộ nghèo đã được hỗ trợ vốn, con giống, kinh phí xây dựng chuồng trại, thức ăn để chăn nuôi dê và hướng dẫn phương thức thực hiện làm việc theo nhóm. Trong đó, hiệu quả nhất là 5 nhóm trồng bắp lai. Từ khi có dự án hỗ trợ, người dân trồng bắp lai đúng quy trình kỹ thuật nên sản lượng tăng vượt trội.

Cũng nhờ hưởng lợi từ dự án, cuộc sống của người dân 2 làng Chiêu Liêu và Broch (xã An Trung) đã có nhiều thay đổi. Được dự án hỗ trợ tiền làm đất, giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh dây, sau 6 tháng chăm sóc, đến nay, 4 ha chanh dây đã cho thu hoạch đợt 2. Chanh dây đợt 2 thu hoạch năng suất cao, lại được giá nên trừ chi phí còn lãi 100 triệu đồng/ha. “Thu hoạch xong mỗi đợt, chúng tôi chia đều tiền cho từng thành viên trong nhóm để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, nhiều hộ đã tự mua giống để trồng thêm ở vườn nhà mình. Hy vọng, sau khi được hỗ trợ đầu tư, bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định”-ông Đinh Treo-Trưởng nhóm trồng chanh dây làng Broch, cho biết.

Ngoài các nhóm sinh kế trồng trọt, các nhóm sinh kế chăn nuôi dê, bò cũng thu được hiệu quả cao, giúp người nghèo ở Kông Chro thay đổi cuộc sống. 4 nhóm nuôi bò được thực hiện từ năm 2015 tại 4 xã hưởng lợi giờ đã phát triển đàn thêm 40 con; 16 nhóm nuôi dê cũng đang phát triển tốt đàn vật nuôi. Anh Đinh Pông-Trưởng nhóm nuôi dê làng Kông Hra (xã Kông Yang), chia sẻ: “Trước đây, do không có vốn, lại không biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên nuôi dê hay bị chết. Từ khi có tiểu dự án sinh kế thực hiện nuôi dê sinh sản, 10 hộ trong làng được hỗ trợ giống, kiến thức chăn nuôi. Hơn nữa, việc nuôi tập trung cũng tạo sự tin tưởng trong mỗi thành viên tham gia. Nhờ đó, từ 27 con dê giống được dự án hỗ trợ hồi tháng 3-2017, đến nay, đàn dê của nhóm đã phát triển lên 44 con”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Hồng Tân-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro, cho biết: “Để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ của dự án, việc triển khai đều được thực hiện chung cho cả nhóm. Nguyên tắc đưa ra là các thành viên tham gia vào các tiểu dự án sinh kế đều phải cam kết: khi nhóm phát huy hiệu quả thì bà con tự biết tái sản xuất vào những năm tiếp theo nhằm gia tăng trách nhiệm của người dân, giúp họ quen dần với phương thức sản xuất tiên tiến, hiệu quả. Có như vậy mới giúp hộ nghèo thoát nghèo một cách bền vững”.

Ngoài hỗ trợ, tập huấn kiến thức cho người hưởng lợi và hướng dẫn họ sản xuất theo nhóm, việc bố trí hướng dẫn viên cộng đồng theo sát hỗ trợ người dân trong suốt quá trình thực hành sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu để kiến thức khoa học kỹ thuật  được vận dụng vào thực tiễn hiệu quả nhất. “Nhờ vậy, từ chỗ còn rụt rè thụ động, hầu hết các hộ nghèo đã mạnh dạn cùng thảo luận, quyết định và cùng tham gia thực hiện nhóm một cách hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, đây còn là cơ sở để hình thành các tổ hợp tác sản xuất, góp phần thực hiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới”-anh Trang Châu Khoa cho biết thêm.

Hoài Hương

Có thể bạn quan tâm