Kinh tế

Hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp bền vững: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn Gia Lai đã triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, việc thực hiện tiểu dự án này đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

Đẩy mạnh giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho người dân

Ngày 14-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển nông-lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân gồm các nội dung: hỗ trợ bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; trồng rừng phòng hộ; trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ DTTS tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Đây là cơ sở để các địa phương, chủ rừng có thêm nguồn lực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Năm 2023, tổng nguồn vốn Chương trình phân bổ cho các địa phương và đơn vị chủ rừng là 55,371 tỷ đồng để hỗ trợ các hoạt động khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào DTTS, hộ người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, 12/14 huyện và 14/18 chủ rừng đã thực hiện khoán bảo vệ rừng được 21.953,29 ha; hỗ trợ bảo vệ rừng được 3.355,61 ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ trên diện tích khoảng 120 ha. Đáng chú ý, việc trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ DTTS tham gia bảo vệ và phát triển rừng hiện vẫn chưa triển khai thực hiện.

Lực lượng Kiểm lâm huyện Mang Yang phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: N.D

Lực lượng Kiểm lâm huyện Mang Yang phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mang Yang tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: N.D

Ông Võ Minh Quang-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang-cho biết: Toàn huyện có 48.192,11 ha đất có rừng trong quy hoạch, chiếm khoảng 42,57% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, rừng tự nhiên là 40.611,19 ha, rừng trồng 7.580 ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là 15.463,51 ha.

Những năm gần đây, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý dự án hỗ trợ đầu tư bảo vệ và phát triển rừng phối hợp cùng các ngành liên quan, các xã và chủ rừng triển khai quyết liệt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, giúp người dân thay đổi nhận thức, kê khai diện tích đất trống, đất canh tác cây nông nghiệp quy hoạch trên đất lâm nghiệp để trồng rừng; tập trung xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng.

Năm 2021, huyện đã giao khoán quản lý, bảo vệ 4.057 ha rừng cho 11 cộng đồng ở 5 xã Kon Chiêng, Đak Trôi, Kon Thụp, Lơ Pang và Hà Ra. Năm 2023, huyện tiếp tục giao 1.949 ha rừng do UBND các xã quản lý, bảo vệ cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Đặc biệt, việc triển khai Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân sẽ tạo động lực thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tốt hơn.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 ở các địa phương cũng đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay, việc trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ DTTS tham gia quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa triển khai thực hiện. Nguyên nhân là do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Trung ương để xác định tiêu chí “hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực”.

Bên cạnh đó, đối tượng, tiêu chí được hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa phù hợp; tiêu chí đã sử dụng đất ổn định từ 3 năm trở lên không tranh chấp cũng chưa phù hợp với đối tượng được hỗ trợ. Không những vậy, về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, phần lớn người dân không đủ năng lực để thực hiện những hạng mục này.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang cho hay: Nội dung hỗ trợ bảo vệ rừng quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cộng đồng, hộ gia đình 400 ngàn đồng/ha của Tiểu dự án 1-Dự án 3 đang chồng chéo với nguồn kinh phí hỗ trợ từ dịch vụ môi trường rừng nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đăng ký trồng rừng sản xuất là đất lâm nghiệp chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa thể thực hiện.

Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: N.D

Phát dọn thực bì rừng trồng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Mang Yang. Ảnh: N.D

“Thời gian tới, địa phương mong muốn có thêm nhiều nguồn lực đầu tư, nâng mức hỗ trợ để người dân có nguồn kinh phí đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp địa phương thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mang Yang đề xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Hoan-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản hướng dẫn các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 3 về phát triển kinh tế nông-lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân theo quy định của pháp luật, đề xuất phân bổ vốn. Dù vậy, việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.

“Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3, thời gian tới, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giao rừng, cho thuê rừng để đảm bảo đối tượng thụ hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ gạo bảo vệ, phát triển rừng; thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ giúp người dân sớm thụ hưởng từ chương trình”-ông Hoan thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm