Thời sự - Bình luận

Hỗ trợ nhân viên y tế ở tâm dịch phải "khẩn trương, kịp thời, cụ thể

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

“Khẩn trương, kịp thời, cụ thể” là những chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính bổ sung vào Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 8 về việc giao Bộ Y tế chủ trì cùng các bộ, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hơn nữa về đời sống vật chất, tinh thần và đề xuất chính sách cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế đang ngày đêm vất vả phục vụ nhân dân.

 

 Cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Cán bộ y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Bộ Y tế cung cấp



Để người đứng đầu Chính phủ phải chỉ đạo nghĩa là việc quan tâm hơn tới đội ngũ thầy thuốc ở tâm dịch chưa “khẩn trương, kịp thời, cụ thể”.

Thực tế đúng là như vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sau khi kiểm tra một số bệnh viện dã chiến đã nêu ra nhiều bất hợp lý đang tồn tại. Đó là bác sĩ, điều dưỡng hằng ngày chăm sóc quản lý 140-150 bệnh nhân, điều kiện làm việc từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Đó là khẩu vị mỗi phần cơm cho các bác sĩ từ miền Bắc vào không phù hợp và trường hợp nhân viên y tế mắc COVID-19 thì suất ăn từ 120.000 đồng/ngày chuyển sang tiêu chuẩn suất ăn người bệnh 80 nghìn đồng/ngày.

Thiên phóng sự “Ranh giới” của VTV phát tối 8.9 rất hay, cảm động nói lên được sự thật ở nơi tâm dịch cho dù chỉ là một lát cắt, một phần của sự khắc nghiệt.

Sự khắc nghiệt đối với các y, bác sĩ trong tâm dịch không dừng lại ở mấy từ “bất hợp lý”. Ngay ở tâm dịch, đã có phản ánh rằng thu nhập của bác sĩ giảm 50% do bệnh viện không có nguồn thu, các khoản phụ cấp, trợ cấp, thu nhập tăng thêm trước đây đều đã bị cắt hết. Nhiều bác sĩ trẻ hiện nay mỗi tháng chỉ được nhận hơn 3,1 triệu đồng tiền lương.

Cũng không quên nhắc lại rằng, đã có trên 2.300 cán bộ y tế đã nhiễm COVID-19, 3 người đã tử vong.

Và thực tế là ở ngay tại TPHCM, các gói hỗ trợ trong chương trình động viên cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch COVID-19 do TPHCM triển khai vẫn chưa đến tay các y, bác sĩ.

Chúng ta đặt yêu cầu đối với các bác sĩ tuyến đầu về ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sự an lành và sức khỏe của nhân dân.

Nhưng chính họ - những người đang ở “Ranh giới” lại hiếm khi đòi hỏi cho chính mình. Họ chỉ mong bệnh nhân sống sót, mong dịch bệnh nhanh chóng bị đẩy lùi để về gặp gỡ gia đình, để có một bữa cơm đầm ấm…

Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tiếp tục gửi thư động viên lực lượng y tế tuyến đầu. Điều này cần thiết nhưng chưa đủ, chưa đáp ứng hết yêu cầu “khẩn trương, kịp thời, cụ thể” của Thủ tướng.

Cũng hôm qua, một “Mạnh thường quân” sau khi chứng kiến sự vất vả, hy sinh của lực lượng y bác sĩ đã thông qua Báo Lao Động gửi tặng Bệnh viện Hùng Vương TPHCM 200.000.000 đồng, và Đoàn bác sĩ của Bệnh viện T.Ư Huế công tác tại trung tâm Hồi sức COVID-19 TPHCM 100.000.000 đồng.

Cần nhiều hơn những tấm lòng hảo tâm, kịp thời và cụ thể như thế. Các y bác sĩ tuyến đầu phải có chính sách tốt nhất, sự quan tâm cao nhất bởi họ là phòng tuyến quan trọng nhất để đẩy lùi và chiến thắng COVID-19.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/ho-tro-nhan-vien-y-te-o-tam-dich-phai-khan-truong-kip-thoi-cu-the-951690.ldo

Theo HOÀNG LÂM (LĐO)

Có thể bạn quan tâm