TN - Đất & Người

Hỗ trợ nông dân tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ cuối tháng 10-2017, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) triển khai gói tín dụng lãi suất ưu đãi dành cho nông dân khu vực Tây Nguyên tái canh cây cà phê. Cùng với các chi nhánh khác trong khu vực, SHB Gia Lai đã chủ động đưa dòng vốn ưu đãi ra thị trường nhằm thúc đẩy quá trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh.

Nông dân chủ động tái canh cà phê

Mới đây, chúng tôi có dịp tham quan vườn cà phê tái canh rộng 1 ha của ông Hoàng Văn Khương (thôn Đức Thành, xã Ia Sao, huyện Ia Grai). Ông Khương cho biết:  Đầu tư tái canh tốn rất nhiều công sức, kinh phí. Đơn cử như giống cây phải nhập từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên; hố trồng phải bảo đảm khoảng cách thích hợp; tỷ lệ trồng cây chắn gió, trồng xen canh, cách sử dụng lượng phân bò ủ men vi sinh để chăm bón, các khâu tưới nước, cắt cành, làm cỏ cũng phải bảo đảm quy trình kỹ thuật.

 

Nông dân chăm sóc vườn cà phê tái canh. Ảnh: Đ.T
Nông dân chăm sóc vườn cà phê tái canh. Ảnh: Đ.T

Chỉ sau gần 3 năm thực hiện tái canh, đến cuối năm 2017, vườn cây của gia đình ông Khương đã bắt đầu cho thu bói, bình quân đạt 9 kg quả tươi/cây, tỷ lệ quả chín lúc thu hái đạt 80-90%. Theo ông Khương, giống cà phê tái canh cho quả to, sản lượng cao hơn 50% so với phương thức trồng cũ, giống cũ. Nếu vườn cà phê bước vào năm thứ 5 thì có thể đạt năng suất 15 kg quả tươi/cây.

Tương tự, gia đình bà Hoàng Thị Hà (thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) cũng quyết định tái canh cà phê theo kiểu cuốn chiếu trên diện tích 3 ha. “Tùy vào thực trạng vườn cây mà có chỗ tôi nhổ trắng, có chỗ trồng ghép hoặc trồng thay thế. Ngay từ đầu, tôi đã xác định việc tái canh rất tốn kém và kéo dài nhiều năm nên phải làm theo kiểu lấy ngắn nuôi dài mới duy trì nổi”-bà Hà bộc bạch. Bắt tay vào tái canh cà phê, gia đình bà Hà cũng đặt mua giống từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên về tự ươm trồng. Bà cũng tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật khuyến nông, chuẩn bị sẵn nguồn phân bò ủ men vi sinh… Bên cạnh đó, gia đình vẫn tiếp tục đầu tư cho 5 ha cà phê kinh doanh, trồng hồ tiêu, đinh lăng để ổn định nguồn thu nhập.

Hỗ trợ vốn cho nông dân

Nhận thấy triển vọng từ chương trình tái canh cà phê và nhu cầu thực tế của khách hàng, từ cuối năm 2017, Phòng Giao dịch SHB Biển Hồ (trực thuộc SHB Gia Lai) đã tích cực quảng bá về gói tín dụng ưu đãi dành cho tái canh cà phê, đồng thời chủ động làm việc với các đoàn thể, chính quyền cấp xã của các huyện Ia Grai, Chư Pah để giới thiệu về dự án. Theo nhận định của ông Huỳnh Tấn Hải-Trưởng phòng Giao dịch SHB Biển Hồ, gói tín dụng này mang lại lợi ích thiết thực cho nông hộ. Tính đến cuối tháng 3-2018, Phòng Giao dịch SHB Biển Hồ đã giải ngân gói tín dụng này được 13 tỷ đồng/57 khách hàng. Với mức lãi suất ưu đãi 6,8%/năm, định mức vay 360 triệu đồng/ha, giải ngân vốn một lần cho khách hàng, gói tín dụng này đã đáp ứng kịp thời nhu cầu tái canh cà phê của nông dân. Đáng chú ý, đây là nguồn vốn trung-dài hạn, khách hàng được ân hạn 2 năm đầu không phải trả vốn, lãi suất khá ổn định trong thời gian vay.

“Hơn cả mục tiêu lợi nhuận, gói tín dụng này hướng đến việc cải tạo, nâng cao chất lượng vườn cây, gia tăng giá trị nông sản cũng như tăng thu nhập cho người nông dân theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững”-ông Lý Anh Đào-Giám đốc SHB Gia Lai, khẳng định. Việc SHB Gia Lai triển khai gói tín dụng theo Dự án VnSAT cũng là sự tiếp nối Dự án RDF2 của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm tài trợ cho phát triển nông thôn. Tính đến nay, dư nợ cho vay trồng và chăm sóc cà phê của SHB Gia Lai đạt 50,66 tỷ đồng/205 khách hàng, chiếm 7,2% tổng dư nợ cho vay hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, chỉ riêng cho vay tái canh cà phê theo Dự án VnSAT đã đạt 30,6 tỷ đồng/130 khách hàng sau gần nửa năm triển khai. Đây thực sự là kết quả rất đáng ghi nhận của SHB Gia Lai, góp phần đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê của tỉnh.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm