(GLO)- Những năm qua, Hội Nông dân huyện Krông Pa đã chú trọng phát huy hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân giúp hội viên xây dựng mô hình sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Đến thăm gia đình anh Ksor Blăk (buôn Mlah, xã Phú Cần), nhìn cơ ngơi gồm đàn bò 7 con và 3 ha mì, mía, cỏ nuôi bò, ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo. Có được cơ ngơi đó, theo anh Blăk là nhờ gia đình được Hội Nông dân huyện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư phát triển kinh tế. “Nếu không có nguồn quỹ này, chưa chắc gia đình tôi đã thoát nghèo”-anh Blăk nói.
Đàn dê của anh Bùi Minh Thắng ở thôn Chư Đông, xã Chư Gu. Ảnh: T.L |
Trước đây, gia đình anh Bùi Minh Thắng (thôn Chư Đông, xã Chư Gu) cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2017, anh được Hội Nông dân huyện cho vay 50 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư nuôi dê. Qua gần 1 năm, dê bắt đầu sinh sản và có thể xuất bán. Anh Thắng cho biết: “Nhờ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân nên gia đình tôi mới có tiền đầu tư nuôi dê. Hiện nay, đàn dê của gia đình đã tăng lên gần 50 con, phát triển tốt, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khá”. Ngoài ra, tận dụng nguồn đất 3 ha của gia đình, anh mạnh dạn trồng điều, dừa xiêm, trồng cỏ để nuôi bò, heo rừng, gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ông Trịnh Thanh Khiết-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Pa, cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã giải ngân được 524 triệu đồng cho 14 hộ vay để nuôi bò, heo rừng lai và trồng mì, điều... Mỗi hộ được vay 30-50 triệu đồng, thời gian vay 2-3 năm, lãi suất 0,7%/tháng. Qua kiểm tra, giám sát, các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững, có hộ trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện”.
Với mục tiêu ngày càng có nhiều hội viên thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Krông Pa đã tập trung huy động vốn bằng nhiều hình thức để xây dựng và phát triển quỹ. Trong đó, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng quỹ. Các cấp Hội trên địa bàn huyện còn huy động nguồn vốn vận động, nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội; phối hợp tốt với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT; tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách huyện, xã chuyển bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân. Đây là nguồn lực giúp Hội chủ động được nguồn vốn, tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Ông Trịnh Thanh Khiết cho biết thêm: “Trong quá trình cho vay, chúng tôi luôn chú trọng đến khâu khảo sát, chọn đúng đối tượng; tăng cường kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện cho bà con thực hiện tốt mô hình. Cùng với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội còn tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ và cho vay từ các nguồn vốn khác để giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; hướng dẫn nhân dân tham gia các hình thức kinh tế tập thể; tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm có giá trị cao. Hội cũng phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh, giúp nông dân có kiến thức áp dụng vào phát triển kinh tế hộ, sử dụng hiệu quả đồng vốn”.
Tuệ Lâm