Kể từ khi những cư dân đầu tiên của các làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá (Hà Nội) mang theo những giống hoa vào vùng đất Đà Lạt lập nghiệp cách đây 87 năm, đến nay, nghề trồng hoa tại TP Đà Lạt đã trải qua một hành trình rực rỡ và hứa hẹn sẽ tiếp tục bay xa trong thời gian tới bởi những dự định và khát vọng đang ấp ủ.
Từ làng hoa đến thành phố ngàn hoa
Buổi sáng, khi đất trời còn chìm trong màn sương trắng, ông Tạ Minh Quân, một nông dân tại làng hoa Hà Đông, phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu ngày làm việc của mình. Trong khu nhà kính rộng 4.000m2, chủ vườn tất bật tưới nước, bón phân, nhổ cỏ cho những vạt hoa cúc vừa xuống giống cách đây chưa lâu. “Những vạt hoa này sẽ nở vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Trồng hoa quanh năm nhưng vụ hoa Tết vẫn quan trọng nhất. Vì vậy, gia đình nào cũng phải cố gắng để có lứa hoa đẹp, mong sẽ trúng mùa, được giá”, Ông Tạ Minh Quân chia sẻ.
Ông Tạ Minh Quân là thế hệ thứ ba gắn bó với nghề trồng hoa ở làng hoa Hà Đông. Vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước, nhằm đáp ứng nhu cầu về rau và hoa cho cư dân Đà Lạt, quản đạo Đà Lạt lúc ấy là Trần Văn Lý đã đề nghị tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu tuyển mộ một số người dân làm nghề rau, hoa tại Hà Đông vào Đà Lạt. Năm 1935, có 35 cư dân đầu tiên gồm những người đàn ông trẻ, khỏe từ các làng hoa Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá thuộc tỉnh Hà Đông trước đây (nay là Hà Nội) đã lên đường vào vùng đất mới. Năm 1936, làng hoa Hà Đông chính thức được thành lập. Sau làng hoa Hà Đông, nhiều cư dân từ các vùng miền khác trong cả nước tới Đà Lạt lập nghiệp cũng lấy nghề trồng hoa làm kế sinh nhai, tạo nên các làng hoa khác gồm: Vạn Thành, Thái Phiên, Xuân Thành. Cùng với thời gian và bao lớp người đã mất, già đi, sinh ra và lớn lên, hoa Đà Lạt cũng không ngừng sinh sôi, phủ lên khắp thành phố cao nguyên và biến Đà Lạt trở thành “thành phố ngàn hoa” vang danh khắp chốn.
Theo thống kê của Hiệp hội Hoa Đà Lạt, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 10.000ha hoa, tổng sản lượng đạt hơn 4 tỷ cành/năm. Hoa Đà Lạt hiện không chỉ được trồng tại TP Đà Lạt mà còn phát triển mạnh tại các huyện: Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương. Từ canh tác theo phương thức truyền thống, nghề trồng hoa không ngừng được áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để trở thành lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dẫn đầu về ứng dụng công nghệ cao. Hầu hết diện tích hoa Đà Lạt hiện nay được trồng trong nhà kính, giống hoa sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô. Các nhà kính trồng hoa được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng kích thích sinh trưởng, hệ thống phun thuốc, tưới nước, bón phân tự động. Nhiều trang trại còn trang bị thiết bị cảm biến thông minh IoT cho phép kiểm soát, điều khiển từ xa các quy trình chăm sóc, hệ thống và môi trường, giúp hoa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Trồng hoa tại Đà Lạt đem lại lợi nhuận cao, đạt doanh thu trung bình 1 tỷ đồng/ha/năm. Với các mô hình trồng hoa cao cấp và ứng dụng công nghệ cao thì doanh thu khoảng 4-5 tỷ đồng/ha/năm. Bà Nguyễn Thị Thu Hồng, 51 tuổi, ngụ tại phường 7, TP Đà Lạt cho biết, gia đình bà hiện có 3 sào hoa hồng (3.000m2), cứ hai ngày cho thu hoạch một lần với sản lượng khoảng 3.000 bông. Với giá bán trung bình 3.000 đồng/bông, hằng tháng, tổng thu khoảng 130 triệu đồng. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình bà thu lãi khoảng 70 triệu đồng/tháng.
Không chỉ là sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, hoa Đà Lạt còn là sứ giả văn hóa, tài nguyên du lịch, nguyên liệu cho ẩm thực, thời trang, dược phẩm, là nhân tố cốt lõi tạo nên danh tiếng và sức hấp dẫn cho TP Đà Lạt.
Chắp cánh cho hoa Đà Lạt bay xa
Quy hoạch tỉnh Lâm Ðồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Ðồng toàn diện và hiện đại, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, quy hoạch xác định ngành hoa là ưu tiên hàng đầu.
Trong chiến lược phát triển bền vững ngành hoa từ nay đến năm 2030, tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành trung tâm sản xuất hoa tươi hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Theo đó, toàn tỉnh sẽ có diện tích khoảng 12.000ha hoa, sản lượng 5 tỷ cành/năm. Tái cấu trúc ngành hoa, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số là những giải pháp quan trọng nhằm đưa thương hiệu "Hoa Đà Lạt" vươn xa. Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất hơn 30% diện tích canh tác hoa ứng dụng công nghệ thông minh IoT. Hằng năm sản xuất hơn 120 triệu cây giống in vitro/năm, tỷ lệ hoa xuất khẩu chiếm 20% sản lượng, kim ngạch đạt hơn 200 triệu USD.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Hà Lộc cho biết, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã bố trí và huy động nhiều nguồn lực để phát triển nghề trồng hoa. Bên cạnh chính sách ưu tiên về vốn, đất đai, thuế... chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kết nối giao thương, hợp tác quốc tế, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hoa Đà Lạt. Đẩy mạnh nhập khẩu các giống hoa mới, triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, mô hình tiên tiến trong sản xuất, bảo quản hoa tươi, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch, thủ công mỹ nghệ, thời trang, ẩm thực, mỹ phẩm từ hoa.
Theo ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, ngành hoa Đà Lạt đang đẩy mạnh tái cấu trúc và tổ chức theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ. "Ngành hoa mang tính thời trang rất cao, đòi hỏi người sản xuất phải cập nhật liên tục xu hướng và các giống hoa mới. Bên cạnh đó, yếu tố môi trường và sức khỏe con người ngày càng được chú trọng. Người trồng hoa Đà Lạt phải thay đổi thói quen canh tác bằng cách chuyển đổi sang trồng các giống hoa mới có giá trị, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không ngừng cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm", ông Phan Thanh Sang nhấn mạnh.
Nhằm quảng bá vẻ đẹp hoa Đà Lạt và xúc tiến đầu tư, hợp tác về ngành hoa, từ năm 2005, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Festival hoa Đà Lạt. Đây là sự kiện văn hóa-du lịch được tổ chức hai năm một lần, có quy mô quốc gia và quốc tế. Festival hoa Đà Lạt lần thứ X năm 2024 với chủ đề “Hoa Đà Lạt-Bản giao hưởng sắc màu” sẽ khai mạc vào ngày 5-12 và kéo dài đến hết tháng 12-2024, hứa hẹn sẽ là dấu ấn đặc sắc trên hành trình rực rỡ, đồng thời chắp thêm đôi cánh cho hoa Đà Lạt bay xa.
Theo Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG (qdnd)