Du lịch

Hành trang lữ hành

Hoa đào Phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Giữa tiết trời Phố núi lạnh sâu, chúng tôi đến thăm vườn hoa đào của gia đình ông bà Lê Văn Nghiêm-Nguyễn Thị Thỏa (hẻm 729 Phạm Văn Đồng, tổ 2, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), khi những đóa hoa đầu tiên bắt đầu khoe sắc đón chào mùa xuân mới.

Tháng Chạp năm nay có vẻ như lạnh hơn mọi năm. Cái lạnh ngấm sâu khiến người ta phải xoa xuýt cùng áo khăn. Những cơn mưa cuối mùa cũng dùng dằng mãi trước khi dứt hẳn. Thời tiết có những hôm tựa như mùa đông xứ Bắc. Nhiều người bảo, kiểu khí hậu này chỉ thuận cho hoa đào, hoa mai bung sắc đón xuân.

 Du khách chụp hình tại vườn hoa đào. Ảnh: Huy tịnh
Du khách chụp hình tại vườn hoa đào. Ảnh: Huy Tịnh



Chúng tôi có mặt ở gia đình bà Thỏa vào một buổi mai, khi nắng sớm chỉ mới vừa hừng lên, sương mai còn chưa tan hết. Được ông bà chủ nhà dẫn ra vườn và giới thiệu cụ thể từng loại đào, chúng tôi không giấu được vẻ thích thú khi đứng giữa khu vườn rộng hơn 1.000 m2 với hơn 400 gốc đào đang ở độ tuổi sinh trưởng mạnh, giàu sức sống. Hàng ngàn búp hoa lớn nhỏ quấn quýt lá cành như đang reo cười trong nắng. Chợt nghĩ, trước nay, hoa đào thường gắn với mùa xuân xứ Bắc. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc thông thương thuận lợi, nhiều người mang hoa đào từ ngoài Bắc vào bày bán ở các tỉnh phía Nam, trong đó có Gia Lai, chủ yếu là đào được trồng sẵn trong chậu kiểng. Và rồi, để đáp ứng nhu cầu chưng Tết của người dân, một số hộ gia đình ở Pleiku cũng đã chuyển sang trồng đào. Vậy nên, ở xứ bazan này, ngày Tết, hoa đào và muôn loài hoa khác cùng nhau khoe sắc.

Bà Thỏa chia sẻ: “Công việc chăm sóc vườn đào không mấy nặng nhọc, nhưng lại rất cầu kỳ, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ lưỡng, chịu thương chịu khó. Để có được một cây hoa, việc đầu tiên là phải ươm cây đào dại. Việc này kéo dài khoảng 1 năm để cây phát triển, sau đó cắt lấy phần gốc, rồi ghép mắt các giống đào cảnh vào. Việc cắt ghép các mắt cây chính là phần khó khăn nhất trong quá trình trồng và chăm sóc đến khi cây cho hoa theo mong muốn”.

Hàng ngày, vợ chồng bà Thỏa cùng nhau chăm sóc vườn đào. Ngoài việc làm cỏ, bón phân, tưới nước thì còn phải tỉa bớt các cành tăm, cành bị sâu bệnh. Khoảng tháng 10 âm lịch thì hái bớt lá để cây dồn sức ươm nụ, cho hoa. Là người quê gốc Hải Dương, các giống đào đều được ông bà đưa từ quê nhà vào, chủ yếu là đào phai và bích đào. “Vườn đào của gia đình tôi đã bước sang tuổi thứ 3. Hồi Tết Nhâm Dần, gia đình đã bán được những gốc đào đầu tiên, nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chúng tôi chưa có điều kiện quảng bá rộng rãi hình ảnh vườn đào. Năm nay, ngoài việc bán cây chưng Tết, vợ chồng tôi đã nghĩ đến việc cho thuê cây và đón khách đến tham quan, chụp ảnh”-bà Thỏa tâm sự.

Chị Lê Thị Thúy Hằng-hàng xóm của gia đình bà Thỏa-chia sẻ: “Hầu như ngày nào, tôi cũng có mặt ở vườn hoa. Cũng là một người gốc Bắc vào Pleiku làm ăn sinh sống, hình ảnh những bông hoa đào đỏ thắm khiến tôi da diết nhớ quê nhà mỗi độ Tết đến xuân về”. Còn chị Trần Hồng Vân-một giáo viên ở huyện Chư Pưh, khi biết đến vườn hoa đào đã tranh thủ ghé thăm. Chị bày tỏ: “Tôi thấy rất thú vị khi được đứng giữa hàng trăm cây đào đang khoe sắc thắm, tưởng như mình đang có mặt nơi đất Bắc, khi mùa xuân đang đến thật gần”.

Những năm gần đây, người dân Pleiku đã khá quen thuộc với các loài hoa vốn được coi là đặc trưng của một vùng miền nào đó, như cúc họa mi, hoa tam giác mạch, hoa lavender… Pleiku được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, là điều kiện lý tưởng cho cây cối phát triển. Nhiều người đã thử nghiệm và chứng minh được rằng, nơi đây có thể trồng được rất nhiều loại cây. Và, chúng tôi tin rằng, chính những con người lao động nhỏ bé, bình dị như ông Nghiêm, bà Thỏa sẽ góp phần công sức của mình để tạo nên sự đa dạng, đa hương, đa sắc cho những mùa xuân Pleiku.

 

 ĐÀO AN DUYÊN

 

Có thể bạn quan tâm