(GLO)- Thay vì sử dụng các loại phẩm màu thực phẩm, nhiều chị em đã sử dụng màu sắc tự nhiên chiết xuất từ hoa, lá cây trong chế biến thực phẩm truyền thống.
“3 Tết rồi, năm nào tôi cũng tranh thủ làm mứt dừa để bán. Ban đầu, tôi chỉ làm để ăn và biếu người thân quen, sau thấy ăn ngon nên bạn bè, người thân hay đặt làm để ăn Tết. Thường tôi sử dụng 4 màu chính cho mứt: màu cà phê, màu cam từ nước ép cà rốt, màu xanh từ lá dứa và mứt dừa vị sữa với màu trắng đặc trưng”-chị Nguyễn Thị Quỳnh (đường Phan Đăng Lưu, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) chia sẻ. Để có được màu sắc tự nhiên chiết xuất từ rau củ, chị Quỳnh phải thực hiện không ít công đoạn: chọn mua rau củ tươi ngon, cắt gọt sạch sẽ, xay hoặc ép lấy nước cốt và ngâm hàng tiếng đồng hồ với dừa lát để dừa bắt màu. “Thay vì chỉ cần vài phút để tạo màu cho sợ mứt thì để làm màu mứt tự nhiên, người làm phải tốn thêm cả buổi để hoàn thành công đoạn tạo màu. Tất nhiên, chi phí cho nguyên liệu sẽ cao hơn rất nhiều”-chị Quỳnh nói.
Chị Quỳnh nhuộm màu mứt dừa non từ nước ép cà rốt và lá dứa. Ảnh: Hải Lê |
Không chỉ cầu kỳ, tốn công sức, công bằng mà nói, nếu người mua ưa chuộng hình thức, không cân nhắc chất lượng sẽ… ít ưng sản phẩm màu tự nhiên từ rau củ bởi màu sắc không thể đẹp mắt. “Tuy nhiên, đổi lại mứt dừa sẽ có thêm hương vị đặc trưng từ chính sản phẩm rau củ tạo màu đó. Nếu khách am hiểu và quan tâm tới thực phẩm sạch, thực phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên sẽ bị thuyết phục”-chị Quỳnh chia sẻ thêm. Thực tế, vài năm trở về đây, xu hướng tìm mua mứt tự chế biến, tẩm nhuộm bằng màu tự nhiên đã được nhiều chị em nội trợ quan tâm. Trên facebook hoặc các trang bán hàng online, mặt hàng này được không ít chị em rao bán nhằm phục vụ nhu cầu ẩm thực Tết…
Ngày Tết, những miếng thạch rau câu vị phô mai, lá dứa, matcha, socola, cà phê… xen lẫn vị thanh ngọt của nước dừa hẳn sẽ làm “tan chảy” cơn mệt bởi tiết trời nóng bức hay sau mỗi chuyến du xuân trở về. Tết này, nhiều chị em lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên, hạn chế tối đa việc sử dụng phẩm màu thực phẩm.
“Mình học nghề làm bánh thạch rau câu bán từ vài ba năm nay. Ngày thường, phần lớn khách đặt bánh sinh nhật rau câu. Ngày Tết, nhu cầu ăn giải nhiệt rất lớn nên đa phần khách đặt bánh nhỏ để thiết đãi khách. Tất cả các loại màu sắc mình sử dụng trong bánh rau câu đều có màu chiết xuất từ cây lá”-chị Nguyễn Thị Bích Ngân (hẻm 113 Tô Vĩnh Diện, TP. Pleiku) chia sẻ.
Chị Ngân bên một mẻ bánh rau câu nấu từ màu tự nhiên vừa hoàn thành cho khách đặt ăn trong dịp Tết. Ảnh: Hải Lê |
Chị Ngân đã đặt mua các loại lá, hoa tạo màu từ TP. Hồ Chí Minh, bao gồm các loại như: lá cẩm tím (màu tím), hoa đậu biếc (màu xanh da trời), hạt dành dành (màu vàng), matcha (màu xanh matcha), bột gạo đỏ (màu đỏ), cà rốt đỏ (màu cam), ca cao và cà phê (màu nâu cà phê, màu đen từ ca cao đen), thanh long ruột đỏ (màu hồng)… Trong số này, có những loại cây, lá có giá bán rất đắt như: hạt dành dành (1 triệu đồng/kg), hoa đậu biếc (800 ngàn đồng/kg)… Để có sẵn màu phục vụ nhu cầu nấu bánh bất cứ lúc nào, chị Ngân phải nhập về một số lượng nhất định, sau đó chiết xuất ra dạng siro và chia nhỏ để đông đá trong tủ lạnh. Khi cần lấy màu, chị cân tính lấy lượng màu cô đặc phù hợp để nấu. “Thay vì chỉ cần nhỏ 1-2 giọt màu hoặc nấu theo màu đã sẵn có trong bột rau câu thì mình phải mất rất nhiều công đoạn để chiết xuất ra màu tự nhiên. Việc này tuy không khó nhưng mất nhiều thời gian và giá thành sản phẩm phải cao hơn một chút so với các sản phẩm không dùng từ màu tự nhiên. Tuy nhiên, khách đã hiểu thì họ không ngại bởi cái họ cần là sản phẩm sạch, an toàn”-chị Ngân nói. Bởi sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên, sản phẩm không có chất bảo quản nên hạn sử dụng khá ngắn, thường chỉ dưới 5 ngày.
"Tôi rất lưu tâm đến chất lượng để hạn chế tối đa nguy cơ mất an toàn thực phẩm, có hại đến sức khỏe người dùng và chính người thân mình. Sản phẩm làm từ tự nhiên có màu từ hạt, hoa, lá khiến tôi rất yên tâm khi sử dụng, là ưu tiên lựa chọn thực phẩm trong những ngày Tết cũng như thường ngày dù giá thành có cao hơn chút đỉnh. Tôi thấy điều đó xứng đáng vì công sức người bỏ ra không hề ít”-chị Đỗ Thị Liên (tổ 3, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) chia sẻ.
Hải Lê